Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

CÁC BIẾN THỂ CỦA HÌNH TƯỢNG RẮN TRONG TRUYỆN CỔ DÂN GIAN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ DANH XƯNG

CÁC BIẾN THỂ CỦA HÌNH TƯỢNG RẮN TRONG TRUYỆN CỔ DÂN GIAN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ DANH XƯNG





Rắn là loài vật xuất hiện sớm và có sức ám ảnh mạnh mẽ trong hầu hết các nền văn hóa của nhân loại. Rất nhiều nơi trên thế giới, từ châu Phi, châu Úc, châu Âu, châu Á… đều có tín ngưỡng thờ rắn và những huyền thoại về loài vật này. Tuỳ vào đặc điểm văn hoá của từng quốc gia, khu vực lãnh thổ mà con vật này biểu trưng cho các lớp ý nghĩa khác nhau. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, ở cội nguồn sự sống, rắn là linh hồn và nhục dục, là vị tổ tiên huyền thoại, là vị thần khởi nguyên; Người đem lại sự sống; Biểu trưng cho sự tất tử, cho sự tăm tối và quỷ dữ…Trong mối liên hệ và các ý nghĩa đó, người ta đã thống kê được 54 tên gọi khác nhau cho cả hai giới tính (unisex) Của rồng, rắn và 35 tên gọi của con rắn có giới tính là nữ (female). Có thể kể đến những con rắn tiêu biểu trong các nền văn hóa thế giới như con rắn cầu vồng (Serpent Rainbow) ở châu Úc, con rắn vũ trụ Atout ở Ai Cập, con rắn thần Quetzalcóatl (rắn lông chim) Của người Aztec, con Naga của người Ấn Độ…hay các quái vật rắn như Lévithan, Ourobros, Typhon, Mãng xà vương…

Khảo sát truyện kể dân gian Việt Nam chúng tôi nhận thấy các truyện kể liên quan đến hình tượng rắn rất phổ biến. Nhìn một cách trực quan, có thể nhận thấy khá nhiều hình tượng các loài vật tưởng tượng khác có mối quan hệ gần gũi với rắn như: Giải, thuồng luồng, giao long, thủy thần, khú…Kết quả khảo sát tần số xuất hiện danh xưng của hình tượng rắn trong truyện kể dân gian như sau: Từ phương diện văn hóa học, các nghiên cứu chuyên ngành đã chỉ ra mối liên hệ giữa hình tượng Rắn – Rồng – Giao long – Thuồng luồng…, có thể kể đến một số ý kiến tiêu biểu sau đây:

Tạ Chí Đại Trường khi bàn về Các hệ thống thần linh bản địa Việt cổ cho rằng: “Những con rắn hoặc còn nguyên vẹn dạng rắn với một vài điểm dị hình hoặc biến thành cái tên truyền kỳ, “con giải”, “con thuồng luồng”  có tác động nhiều nhất vào mối tin tưởng của người dân”. Tác giả cho biết: “Chúng ta có thể nghĩ rằng khi đã vào truyền kỳ thì cá sấu hoặc rắn không thể giữ được hình dáng bình thường. Cho nên rắn thần thường phải có cái mào trên đầu và thuồng luồng, giao long phải thành một hình tượng bách tiệt. Dù có nhập vào rồng Trung Quốc cũng vẫn còn bản sắc riêng của một dấu vết pha trộn: Rắn – rồng của Lí”. Trần Ngọc Thêm khi xem xét hình tượng các con vật được thờ cúng với tư duy nông nghiệp của người Việt nói riêng và Đông Nam Á nói chung cũng cho rằng, Rồng là tổng hợp và linh hoạt, là kết hợp của cá sấu và rắn, sinh ra từ nước hay bay lên trời.. . Tác giả Trọng Nghĩa cũng khẳng đinh, “Rồng (vốn có nguồn gốc xa xưa là rắn) Có một vai trò vô cùng quan trọng trong văn hóa thẩm mĩ của người Việt, Rồng được xem là con vật thiêng liêng và được con người yêu mến, thờ cúng”. Cùng quan điểm đó,Đặng Việt Bích nhận định: “Rồng – Long có dạng Rắn. Có thể một loại động vật thuộc bò sát, có kích thước tương đối lớn, còn sót lại từ thời xa xưa, đã được làm hình mẫu đầu tiên để xây dựng nên hình tượng rồng”. Hai tác giả Lâm Biền – Thế Hùng khi nghiên cứu về hình tượng rồng trong nghệ thuật tạo hình Trung Hoa, Ấn Độ và ảnh hưởng tới Việt Nam đã giả viết: “Buổi đầu, rồng là một con vật dưới nước, gần gũi với rắn nước: Mùa đông (tức mùa khô ở Trung Quốc) Thì ngủ dưới ao hồ, mùa xuân mới xuất hiện cùng với mưa. Vì vậy rồng được gắn với mùa mưa và mang hình dạng của rắn”. Tác giả Nguyễn Văn Hùm cũng nhận định: “Vì lẽ sợ rắn mà người thượng cổ lí tưởng hóa nó, thần hóa nó thành rồng…”. Từ quan điểm này, tác giả đi đến suy luận: Sợ rắn dữ hóa ra thấy rồng thiêng… Nguyễn Thị Việt Hương khi nghiên cứu về thủy thần ở Hà Nội và vùng phụ cận cho biết: “Thủy thần có nguồn gốc thuồng luồng hay rồng đều cho thấy lớp văn hóa sớm nhất của vùng này chắc chắn có liên quan đến tục thờ rắn”  

Trên đây là các ý kiến của những nhà nghiên cứu đi trước khi đề cập đến mối liên hệ giữa Rắn và các hình tượng khác như rồng, giao long, thuồng luồng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian. Nếu xét riêng về danh xưng thì chúng có những danh xưng không giống nhau ở góc độ lớp vỏ ngôn ngữ. Tuy nhiên, như đã dẫn ở phần trên, thực tế các hình tượng lại có mối liên hệ về chất, gắn bó, không tách rời. Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này từ góc độ thứ hai, góc độ ngôn ngữ học.


TOÀN VĂN BÀI BÁO KHOA HỌC: CÁC BIẾN THỂ CỦA HÌNH TƯỢNG RẮN TRONG TRUYỆN CỔ DÂN GIAN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ DANH XƯNG

============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét