Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Tín hiệu trữ tình từ BOLERO



Tín hiệu trữ tình từ BOLERO

      

LÊ THIẾU NHƠN


logoTừ lâu bolero được mặc định là dòng nhạc bình dân. Cứ ngỡ không gian của nó mãi mãi chỉ quẩn quanh ở những quán nhậu ven đường hoặc phòng trà tỉnh lẻ, không ngờ bây giờ bolero ngạo nghễ bước hẳn lên màn ảnh nhỏ làm thổn thức hàng triệu khán giả. Sau các sân chơi khiêm nhường như “Tình ca Việt” hoặc “Solo cùng Bolero”  trên một vài đài truyền hình địa phương, dòng nhạc này chính thức xuất hiện trên kênh VTV3 ngay những ngày đầu năm mới 2016 bằng cuộc thi “Thần tượng Bolero”  với tiền thưởng lên đến 500 triệu đồng. Tín hiệu trữ tình từ bolero liệu có gợi lên một câu chuyện văn hóa gì chăng?
Nói về cách thức tổ chức, “Thần tượng Bolero”  không mấy dị biệt so với các sàn diễn tranh tài trên truyền hình, thậm chí nhiều chi tiết còn na ná hai chương trình “Hòa âm đẹp nhất”  “Sing my song”  rất nổi tiếng của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều khác lạ duy nhất của chương trình là thí sinh chỉ hát dòng nhạc bolero. Bolero ảo não, bolero buồn thương, bolero khắc khoải... Đây có phải một hành trình độc đáo của âm nhạc Việt?

Nhiều người từng chủ quan cho rằng, dòng nhạc bolero là quốc hồn, quốc túy của người Việt. Không hẳn vậy! Nhiều người từng cao hứng cho rằng, dòng nhạc bolero giàu chất văn học. Càng không hẳn vậy! Thực chất, bolero là một điệu nhảy của Tây Ban Nha, được du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thập niên 50 của thế kỉ trước. Giai điệu của bolero được chuyển nhịp 4/4 khá gần gũi với vọng cổ và cải lương. Nhiều nhạc sĩ đã sáng tác theo phong cách bolero và nhanh chóng thành danh như Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Châu Kỳ, Vinh Sử, Anh Bằng, Trúc Phương, Thanh Sơn… Ngay cả những nhạc sĩ sở trường sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca như Phạm Thế Mỹ hoặc Hoàng Thi Thơ cũng thử sức với bolero và gặt hái không ít kết quả mĩ mãn.

Không phải thể loại âm nhạc nào nhiều người viết, nhiều người hát thì hiển nhiên có giá trị nghệ thuật. Ưu điểm của dòng nhạc bolero cũng giống như... cơm bụi, ai cũng có thể ghé vào mà không cần chứng minh đẳng cấp xã hội. Dòng nhạc bolero dễ nghe và dễ hát. Nhạc cảm cao hay thấp cũng có thể tiếp xúc với bolero một cách đơn giản. Khác với dòng nhạc tiền chiến, các ca khúc bolero không phức tạp về giai điệu và cũng không nhiều ẩn dụ về ca từ. Cái trau chuốt của dòng nhạc bolero là làm sao cho thật êm ái và ủy mị. Nói cách khác, về phương diện thẩm mĩ, cái đẹp của dòng nhạc bolero không phải cái đẹp của người tinh tế mau nước mắt, mà là cái đẹp của người ngơ ngác thích thở dài.
Giá trị nghệ thuật của dòng nhạc bolero khá chừng mực, nhưng không vì vậy giới hạn công chúng bị thu hẹp. Giới sáng tạo có quyền không xem trọng đóng góp của dòng nhạc bolero, nhưng không thể nào phủ nhận được sự tồn tại của dòng nhạc này trong đời sống tinh thần đám đông. Rất dễ nhận thấy sức phổ biến của dòng nhạc bolero qua những lời ca sầu muộn như: Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn. Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành…
maxresdefault
Dòng nhạc Bolero từ vị trí ngoại vi đã tiến vào vị trí trung tâm        Ảnh: TL
Sau cơn sốt nhạc Hoa lời Việt và cơn sốt nhạc trẻ kiểu top ten nọ top hit kia, nhiều ca sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên… đã chọn dòng nhạc bolero để mở rộng biên độ khán giả hâm mộ. Do đó, dòng nhạc bolero từ vị trí ngoại vi đã tiến vào vị trí trung tâm của sàn diễn một cách ngoạn mục. Và giờ đây, khi dòng nhạc bolero được cổ súy bởi Đài truyền hình quốc gia thông qua chương trình “Thần tượng Bolero”  thì không thể không tư duy lại tín hiệu trữ tình gửi gắm qua những ca khúc tha thiết xen lẫn thống thiết ấy.
Không khó khăn gì để phát hiện, dòng nhạc bolero gần gũi với những số phận lặng lẽ. Lũy tre làng văng vẳng tiếng ca: Về đây bên nhau, ta nối lại tình xưa. Chuyện tình mà bao năm qua em gói ghém từng kỉ niệm, còn chốn đô thị xôn xao giọng hát: Người đi đi ngoài phố, chiều nắng tắt bên sông. Người đi đi ngoài phố, bóng dáng xưa mịt mờ. Và một đêm tình cờ, nếu ngang qua khu vực có nhiều công nhân ngụ cư, lại nghe lãng đãng tâm sự: Gác trọ về khuya cơn gió lùa. Trăng gầy nghiêng bóng cài thưa. Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt… Có phải dòng nhạc bolero chuyển tải được tình cảm chan chứa của phần lớn người Việt không? Có thể, nhưng quan trọng hơn, sự lên ngôi của dòng nhạc bolero trong bối cảnh hội nhập, đã trực tiếp nhắc nhở nhiều gợi ý về nhu cầu thưởng thức âm nhạc hôm nay. 

Thử đặt câu hỏi, nếu thế hệ nhạc sĩ Trần Tiến, Phó Đức Phương, Phú Quang, Dương Thụ, Bảo Chấn… vẫn còn sung sức sáng tác liệu dòng nhạc bolero có thể chiếm lĩnh sân khấu không? Chắc chắn không! Dòng nhạc bolero chỉ bùng lên khi đời sống biểu diễn khủng hoảng thiếu ca khúc hay. Nhân danh hiện đại, trẻ trung, sôi động, những ca khúc phi thẩm mĩ và phản thẩm mĩ ra đời, trở thành nỗi ám ảnh của công chúng như Không đau vì quá đau, Người ấy và tôi, em chọn ai hoặc Đến sau phải lau nước mắt, và gần đây là Vợ người ta. Nếu phải nghe những điều lảm nhảm như: Anh chàng đẹp trai ngồi trong quán uống li cà phê. Thấy một cô bé xinh thật xinh bước qua thật nhanh. Anh vội chạy theo nhưng chẳng thấy bé yêu ở đâu hoặc Anh ghét em ham chơi, ghét em thích đua đòi, ghét em sống buông lơi, những đêm dài tăm tối thì người ta thà quay về nghe lại Còn đâu, đâu lá ngọc cành vàng. Còn đâu, đâu quyền quý cao sang. Em nhớ xưa rồi em khóc, tôi thoáng buồn thương giọt lệ đài trang ít ra cũng có được chút run rẩy xa vắng với kỉ niệm chìm khuất! 

Dòng nhạc thị trường chỉ là nguyên nhân đầu tiên thúc đẩy sự nở rộ của dòng nhạc bolero. Nguyên nhân chính là sân khấu ca nhạc khủng hoảng phong cách biểu diễn. Khi internet chưa phát triển, may mắn thông qua một kênh tham khảo nào đó học lỏm được một điệu nhảy minh họa hay một kiểu hòa âm, ca sĩ có thể gây ấn tượng ngay với khán giả. Bây giờ, thứ gì trên Youtube cũng có. Ca sĩ bắt chước sẽ bị la ó ngay. Càng hội nhập, càng thấy nền âm nhạc Việt Nam cực kì khập khiễng, không có những nhà sản xuất tầm cỡ cũng không có những ông bầu chuyên nghiệp. Trào lưu copy lại những thần tượng nước ngoài đã nhanh chóng phá sản. Nếu dày mặt rập khuôn Hàn Quốc như Sơn Tùng M-TP thì trong mắt công chúng sành điệu cũng chỉ là bản sao hạng bét. Ca sĩ Việt gần như bất lực trên con đường chinh phục người hâm mộ. Phương pháp “lấy mắt bù tai”  kiểu Hồ Ngọc Hà rất tốn kém mà cũng chỉ đạt hiệu quả nhất thời. Chọn lựa dòng nhạc bolero, các ca sĩ muốn khai thác sự đồng cảm âm thầm đã có sẵn trong lòng người nghe đời việc gì đến sẽ đến, nhưng ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên. Đó là lí do vì sao nhiều ca sĩ quen thuộc với những lễ nghi chính thống như Anh Thơ cũng lân la hát bolero!
Hiện tại, sự phổ cập của karaoke đã hình thành một tâm lí: ai cũng nghĩ rằng mình có khả năng ca hát, và ai cũng muốn nghe những ca khúc mà mình có thể hát lại được. Sức mạnh của bolero ở đó. Với kĩ thuật phòng thu tân tiến hoặc với một cây guitar mộc mạc, ca khúc bolero vẫn phát huy được tác dụng. Dù hơi mơ hồ, nhưng khi hát dòng nhạc bolero các ca sĩ đều tin rằng họ quay về với bản sắc Việt và lan tỏa nhanh hơn vào quần chúng.

Trước đây dòng nhạc bolero thỉnh thoảng mới được vang lên trên sân khấu lớn như một thứ cảm giác đôi khi trộm nhìn nhau, xem dung nhan đó bây giờ ra sao, thì bây giờ ca sĩ đua nhau hát dòng nhạc bolero theo dạng soi bóng đời bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngời lên tròng mắt. Thế nhưng, để thành danh với dòng nhạc bolero cũng không đơn giản. Ca sĩ cố đẩy tiết tấu gấp gáp hoặc cố nhấn nhá thật sầu não đều thất bại. Cứ nhìn vào những ca sĩ được yêu mến với dòng nhạc bolero như Hoàng Oanh, Phương Dung, Bảo Yến, Hương Lan, Như Quỳnh… thì không khó để hiểu đáp án: mỗi bài hát đều cần chất giọng đẹp và sự rung động của người hát! Bởi vậy, những ca sĩ đang được xưng tụng ngôi sao nếu giàu trí tưởng b
ở đua đòi biểu diễn bolero theo cách dàn dựng diêm dúa, khi họ hát: Anh biết chăng anh, em khổ vì ai, em khóc vì ai. Ngày vui đã tan, nhân tình thế thái còn lại đống tro tàn, khán giả sẽ nhận bằng cảm xúc: Em muốn kêu lên cho thấu tận trời xanh, rằng tình yêu em sao giống đời đóa phù dung sớm nở tối tàn, xót xa duyên mình chưa thắm đành vội tan.
Sự trở lại của dòng nhạc bolero, cần được nhìn như thế nào cho đúng đắn? Không đáng mừng, cũng không đáng lo, hãy xem đó là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho sự loay hoay của đời sống âm nhạc, cả giới sáng tác lẫn giới biểu diễn. Nếu đong đưa mãi những giai điệu trữ tình cũ kĩ, thì khi muốn tìm kiếm diện mạo âm nhạc Việt ở thập niên thứ hai của thế kỉ XXI, chúng ta chỉ còn biết trách móc nhau trong nỗi bi thương: Sao anh nỡ đành quên kỉ niệm xưa buổi ban đầu. Sao anh nỡ đành quên chuyện tình đẹp như ước mơ. Anh ơi, nếu một mai có ai hỏi người bên ấy, biết nói gì đây hỡi anh…



============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét