Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

PHÁT TRIỂN MẠNH KHU VỰC DỊCH VỤ, ĐẶC BIỆT COI TRỌNG CÁC DỊCH VỤ CAO CẤP NHIỀU GIÁ TRỊ GIA TĂNG

PHÁT TRIỂN MẠNH KHU VỰC DỊCH VỤ, ĐẶC BIỆT COI TRỌNG CÁC DỊCH VỤ CAO CẤP NHIỀU GIÁ TRỊ GIA TĂNG





A- MỘT SỐ NHẬN THỨC VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ PHÁT TRIỂN KHU VỰC DỊCH VỤ


I- VAI TRÒ CỦA DỊCH VỤ TRONG NỀN KINH TẾ VÀ TRONG CUỘC SỐNG HIỆN NAY CỦA CON NGƯỜI


Dịch vụ là một quá trình hoạt động bao gồm các nhân tố không hiện hữu, giải quyết các mối quan hệ giữa người cung cấp với khách hàng. Sản phẩm của dịch vụ có thể trong phạm vi hoặc vượt quá phạm vi của sản phẩm vật chất. Trên giác độ hàng hóa, dịch vụ là hàng hóa vô hình mang lại chuỗi giá trị thỏa mãn một nhu cầu nào đó của thị trường. Theo quan niệm phổ biến chung, dịch vụ là những hoạt động mang tính xã hội, tạo ra các sản phẩm hàng hóa không tồn tại dưới hình thái vật thể, nhằm thỏa mãn kịp thời, thuận lợi và hiệu quả hơn các nhu cầu trong sản xuất và đời sống con người. Dịch vụ là một quá trình hoạt động diễn ra theo một trình tự bao gồm nhiều khâu, nhiều bước khác nhau. Mỗi khâu, mỗi bước có thể là những dịch vụ nhánh hoặc dịch vụ độc lập với dịch vụ chính.

Từ những khái niệm trên về dịch vụ, chúng ta thấy rằng dịch vụ phải gắn với hoạt động để tạo ra nó. Các nhân tố cấu thành dịch vụ không như những hàng hóa hiện hữu, chúng không tồn tại dưới dạng hiện vật. Như vậy, dịch vụ là một loại hàng hóa đặc biệt, nó có những nét đặc trưng riêng mà hàng hóa hiện hữu không có.

Trong nền kinh tế cũng như trong cuộc sống nói chung, dịch vụ đóng một vai trò rất quan trọng. Kinh tế càng phát triển, dịch vụ càng trở nên quan trọng hơn. Thực tiễn phát triển kinh tế ở các nước trên thế giới cho thấy, dịch vụ là khu vực góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị các ngành sản xuất; đồng thời dịch vụ cũng là khu vực phục vụ mọi nhu cầu của con người, nâng cao dân trí làm cho đời sống của con người văn minh hơn và từ đó tái tạo sức lao động, nâng cao hiệu quả công việc. Ngày nay, khu vực dịch vụ mang lại thu nhập cao và chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, lên đến mức 70- 75%, của hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển và những nước công nghiệp mới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, khối EU, Singapore, Hàn Quốc. Trong kim ngạch xuất khẩu của nhiều quốc gia, dịch vụ được coi là ngành mũi nhọn mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước. Số liệu thống kê cho thấy, ngành dịch vụ càng ngày càng chiếm thị phần lớn của thương mại toàn cầu. Khu vực  dịch vụ bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau từ du lịch, tài chính- ngân hàng cho đến lĩnh vực y tế, giáo dục, tư vấn.. .

1- Vai trò của dịch vụ trong các hoạt động kinh tế


Dịch vụ góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa, thúc đẩy thương mại hàng hóa phát triển trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Có thể thấy rằng dịch vụ chính là cầu nối giữa các yếu tố “đầu vào”“đầu ra” trong quá trình sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Chính sự ra đời và phát triển của dịch vụ vận tải như vận tải đường bộ, đường không, đường biển đã góp phần khắc phục được trở ngại về địa lý, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, thúc đẩy nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa từ quốc gia này đến quốc gia khác. Trong quá trình chuyên chở hoặc lưu thông, hàng hóa luôn bị đe dọa bởi những rủi ro có thể gây thiệt hại về vật chất, các dịch vụ bảo hiểm hàng hóa sẽ gánh đỡ những rủi ro và làm cho thương mại trở nên an toàn hơn, ít tổn thất hơn. Các dịch vụ ngân hàng cũng cho phép khâu thanh toán được diễn ra một cách có hiệu quả, giúp các bên đạt được mục đích trong quan hệ buôn bán. Các dịch vụ viễn thông, thông tin có vai trò hỗ trợ cho các hoạt động thương mại trong việc kích cầu, rút ngắn thời gian ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Các dịch vụ kinh tiêu như dịch vụ đại lý, bán buôn, bán lẻ giữ vai trò trung gian kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng; đồng thời góp phần đẩy nhanh quá trình tiêu thụ hàng hóa, rút ngắn thời gian hàng hóa lưu thông, giúp nhà sản xuất nhanh chóng thu hồi vốn để tái đầu tư sản xuất.

Bên cạnh đó, các dịch vụ như nghiên cứu và phát triển, thiết kế, tiếp thị, phân phối,… đã thâm nhập sâu vào quá trình sản xuất hàng hóa và có những đóng góp đáng kể trong việc tạo ra các giá trị gia tăng đối với các sản phẩm hàng hóa. Ví dụ, ngành công nghiệp sản xuất máy tính sẽ không thể tồn tại nếu như không có các dịch vụ cung cấp phần mềm để vận hành được tích hợp vào trong máy. Đối với phát triển công nghiệp, vai trò của dịch vụ đã được chứng minh ở nhiều nước. Tác động của khu vực dịch vụ đến phát triển có thể qua nhiều phương thức và nhiều kênh khác nhau, song có thể nhìn thấy rõ nhất nếu đặt dịch vụ ở vị trí là đầu vào của ngành công nghiệp. Theo một nghiên cứu, các dịch vụ đầu vào trở nên đặc biệt quan trọng nếu muốn gia tăng giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành định hướng xuất khẩu. Ngoài ra, dịch vụ hình thành và phát triển gắn liền với phân công lao động xã hội. Sự phát triển của dịch vụ góp phần làm cho phân công lao động trở nên sâu rộng hơn.

Nền kinh tế càng phát triển thì dịch vụ càng phong phú và đa dạng. Hiện nay, sự phát triển của dịch vụ phản ánh trình độ phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Người ta thấy rằng, trình độ phát triển kinh tế của một nước càng cao, thì tỷ trọng của dịch vụ trong cơ cấu ngành kinh tế của nước đó càng lớn. Dịch vụ phát triển sẽ thúc đẩy phân công lao động xã hội và chuyên môn hóa, tạo điều kiện cho các lĩnh vực sản xuất khác phát triển. Vai trò của dịch vụ được phản ánh rõ nét nhất ở số lượng lao động trong ngành dịch vụ và tỷ trọng của nó trong GDP. Ngành dịch vụ của Hoa Kỳ hàng năm tạo ra 80% cơ hội việc làm, xuất khẩu dịch vụ chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các nước phát triển vào ngành dịch vụ chiếm 40% tổng giá trị đầu tư. Nhiều nước đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh dịch vụ, tập trung phát triển dịch vụ tài chính, cảng biển, du lịch, hàng không,… Nhờ đó, lao động ở khu vực dịch vụ có xu hướng tăng nhanh, đóng góp của dịch vụ vào GDP ngày càng lớn. Như vậy, liên quan đến vấn đề công ăn việc làm để tăng thu nhập của người dân, các ngành dịch vụ đã góp phần giải quyết tốt vấn đề này. Trong vòng hơn 4 thập kỷ qua, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực dịch vụ đã tăng lên ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Ưu thế của khu vực dịch vụ trong giải quyết việc làm đã giúp khu vực này hấp thụ phần lớn lực lượng lao động dôi dư của khu vực nông nghiệp và công nghiệp trong quá trình đô thị hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp của các quốc gia.

2- Vai trò của dịch vụ đối với phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn


Đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ đóng vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, làm thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, mà còn giúp mở rộng thị trường nông sản, đa dạng hóa cơ cấu ngành, nghề ở nông thôn, nâng cao đời sống của người dân. Thực tế cho thấy rằng, sản xuất nông nghiệp đòi hỏi đầu vào ở nhiều ngành dịch vụ, từ các dịch vụ về vốn, giống, thủy lợi, canh tác cho đến các dịch vụ hỗ trợ khâu chế biến và tiêu thụ nông sản như bao bì, đóng gói, vận tải, kho bãi, phân phối, marketing,…Bên cạnh đó, ở khu vực nông thôn đã xuất hiện này càng nhiều các ngành, nghề phi nông nghiệp như tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Các hoạt động này đòi hỏi các dịch vụ đầu vào cũng như các dịch vụ hỗ trợ. Vì vậy, các dịch vụ như tài chính- ngân hàng, viễn thông, thương mại,… có điều kiện phát triển tốt ở khu vực nông thôn.

Sự đa dạng hóa các ngành, nghề của kinh tế nông thôn cũng đã dẫn tới sự đa dạng hóa nghề nghiệp của những người dân nông thôn, kéo theo những thay đổi về cơ cấu dân cư, cơ cấu xã hội, và các nhu cầu mới của người dân. Đứng trước tình hình đó, nhiều ngành dịch vụ phục vụ các nhu cầu văn hóa, giải trí ở nông thôn đã ra đời và phát triển khá mạnh ở khu vực này. Nhiều chính quyền địa phương đã phát huy lợi thế của mình để tập trung phát triển các ngành dịch vụ với vai trò là ngành kinh tế chính của địa phương, như các dịch vụ du lịch,… Sự xuất hiện của các dịch vụ xã hội liên quan đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục, môi trường, viễn thông, nghe nhìn ở khu vực nông thôn đã đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển triển nông thôn toàn diện.

3- Vai trò của dịch vụ trong việc phát triển con người


Để tiến hành các hoạt động kinh tế thành công, thì nguồn lực con người - với thể chất khỏe mạnh và có kỹ năng- đóng một vai trò then chốt. Đáp ứng yêu cầu này, các dịch vụ về y tế, giáo dục đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Người ta đã xác định được rằng, ở những nước đã công nghiệp hóa thành công và có mức thu nhập cao, như Nhật Bản chẳng hạn, vốn con người chiếm tới hơn 80% tổng tài sản quốc gia. Chính vì vậy, trong số các giải pháp thì phát triển giáo dục và y tế được coi là quốc sách hàng đầu. Đây là những ngành dịch vụ có tác động trực tiếp đến phát triển nguồn nhân lực. Nếu đánh giá dựa trên chỉ số phát triển con người (HDI), thì trình độ phát triển con người phụ thuộc vào 3 yếu tố chủ yếu là: tuổi thọ, kiến thức và mức sống.

LINK ĐỌC TOÀN BỘ BÀI BÁO KHOA HỌC PHÁT TRIỂN MẠNH KHU VỰC DỊCH VỤ, ĐẶC BIỆT COI TRỌNG CÁC DỊCH VỤ CAO CẤP NHIỀU GIÁ TRỊ GIA TĂNG

===========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét