NHẬN XÉT BƯỚC ĐẦU VỀ GIA ĐÌNH CỦA NGƯỜI VIỆT
NGUYỄN TỪ CHI
Những gì viết sau đây, tự thân chúng không phải là một công trình nghiên cứu. Đấy chỉ là những cảm giác đầu tiên chưa thoát khỏi vòng trực cảm thuần túy, thuộc về một số mặt của một vấn đề mà các bậc đi trước trong ngành dân tộc học chưa đưa ra được những kết luận thực sự có đầu có đũa: vấn đề gia đình của người Việt[1]. Ta biết rằng, mãi cho tới nay, vẫn chưa ai lên được hệ thống thân tộc Việt. Lý do cũng đơn giản thôi, nếu vì muốn ngắn gọn mà ta không ngại dùng một ngôn ngữ dân tộc học ít nhiều đã lỗi thời, thì có thể nói rằng đấy là một “hệ thống không phân loại”. Những cảm giác làm nên bài viết này không quy chiếu vào đó. Mặt khác, những cảm giác ấy lại là cảm giác của một người làm dân tộc học mà “gián tiếp bị lâm tình huống”, vì bản thân anh ta không nghiên cứu người Việt, nhưng lại thuộc tộc Việt, khiến anh thảng hoặc lại có những suy nghĩ có lẽ còn rời rạc, nhưng dù sao cũng có đôi suy nghĩ, về mặt này hay mặt kia thuộc lớp sống của tộc mình. Những cảm giác rất đơn giản đó, tôi sẽ thử nói lên bằng ngôn ngữ hàng ngày. Một vài sự kiện mở đầu cho chúng tôi được rút ra từ cuộc sống của người Việt ở Bắc Bộ, nơi cứ trú hiện nay của tôi.
*
* *
Hồi còn bé, tôi từng nghe người lớn nói với nhau rằng ở chúng tôi, tôi muốn nói trong tộc người chúng tôi, quyền lực trong gia đình nằm trong tay của đàn ông, của người chồng, người cha. Cứ nhìn vào các chi tiết của cuộc sống hàng ngày là rõ. Về kinh tế chẳng hạn, bất động sản của gia đình, kể cả ruộng tư, đều do đàn ông nắm, vì chỉ được truyền cho con trai trong nhà, không được truyền cho con gái. Việc giáo dục con cái chủ yếu phụ thuộc vào người cha, mà về mặt ấy thì ông ta chẳng mấy khi nương nhẹ. Gả con trai hay con gái cho người này, người kia, thuộc gia đình nọ, vấn đề có lẽ đã được bàn cãi kín đáo giữa ông bố và bà mẹ, thậm chỉ giữa ông bố và cậu con trai hay bà mẹ và cô con gái, nhưng cuối cùng mà ông bố tin ra trước mọi người bằng một lời nói chính thứ thì đấy là việc của ông chủ gia đình... Ví dụ chẳng thiếu.
Lớn lên, tôi được biết thêm rằng các nhà nghiên cứu Pháp thời thuộc địa cũng không nói khác. Tất nhiên, tình trạng đó được gán cho Nho giáo, lý thuyết đã thấm nhuần xã hội chúng ta có chậm lắm cũng từ thế kỷ XV khi nó thay chân Phật giáo ở vị trí quốc giáo. Đừng vì thuật ngữ này mà hiểu nhầm Nho giáo, vốn ra đời trên đất Trung Hoa từ năm thế kỷ trước Công nguyên, ít mang dạng tôn giáo lắm, nếu ta đem so sánh với đạo Phật, đạo Cơ đốc, đạo Hồi: được tích hợp vào những tín ngưỡng và biểu hiện tôn giáo dân gian đương thời, trong số đó có hình thái thờ phụng tổ tiên, Nho giáo nổi lên với tư cách một triết lý xã hội, và trong khung cảnh tôn giáo chỉ kéo dài mô hình xã hội ra, cho nó hiện hình ra ngoài, thông qua một lòng tin và một hệ thống động tác có thể nhìn bằng mắt. Vả chăng, chữ “giáo” trong “quốc giáo” không chỉ có nghĩa là tôn giáo: còn có thể diễn dịch nó thành “giáo dục”, “ý thức hệ”, “học thuyết”… thậm chí cả “văn hóa”.
.............................
===============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét