Nghiên cứu Kinh tế học và Triết học của Chủ nghĩa xã hội[1]
1. Nguồn gốc của cuộc tranh luận về ‘tính toán’ xã hội chủ nghĩa[4]
Có một thực tế lạ lùng trong lịch sử tư tưởng chính trị và xã
hội của thế kỷ này, đó là hai hệ thống kiến giải xã hội mang tính lý thuyết và duy
lý, thống trị mạnh mẽ nhất, một bên là những người theo chủ nghĩa cá nhân tự do
cổ điển và bên kia là những người theo chủ nghĩa tập thể, lại rất hiếm khi đối đầu
nhau một cách trực tiếp trong lãnh địa của những phép tắc khảo cứu khoa học. Bất chấp dung lượng
khổng lồ của chúng, những bài viết trong các ngành triết học xã hội này chẳng mấy
khi được viết ra theo cách cho phép đi tới những giải pháp rốt ráo cho hàng loạt
vấn đề chúng đặt ra: thay vào đó, chúng xuất hiện như những công trình kiến trúc vĩ đại,
với nhiều tầng bậc mỹ thuật khác nhau, đứng kế bên nhau chứ không phải trên cùng
một mảnh đất chung. Như những bà nội trợ xứ Glaswegia[5] gân cổ lên cãi nhau từ hai bên hè phố, người
theo chủ nghĩa cá nhân và người theo chủ nghĩa tập thể dường như luôn luôn tranh
luận từ hai hệ tiền đề khác nhau. Như người được giải Nobel về Khoa học Kinh tế
George Stigler[6]
từng nói, những cuộc tranh luận giữa những người xã hội chủ nghĩa’ và những người
‘tư bản chủ nghĩa’ là không ăn khớp với nhau (‘unjoined’)[7].
Tuy nhiên, sự chệch choạc này, theo Stigler, hoàn toàn bắt nguồn
từ sự thất bại của cả hai phe khi đánh giá các kết quả thực tiễn của những lập luận
tương ứng của họ. Theo một lối ‘thực chứng’ điển hình, ông tuyên bố rằng chỉ ‘bằng
chứng thực tế’ (evidence) mới có thể giải quyết được sự bất đồng giữa các hệ tư
tưởng.
Trái với quan điểm trên, cần phải nhấn mạnh rằng những nhận định
thực nghiệm riêng nó không bao giờ có thể mang tính quyết định trong các lập luận
triết học về chính trị và xã hội. Nguyên nhân một phần vì dữ liệu trong lĩnh vực
xã hội là rất phức tạp, không thể kiểm soát, mang tính tạm thời và lộn xộn. Rõ ràng
là, những thất bại hiển nhiên của việc kế hoạch hoá tập trung nhằm tối đa hoá các
mục tiêu xã hội chủ nghĩa đã không làm thay đổi ngay cả những người theo chủ nghĩa
tập thể có đầu óc thực nghiệm, dù những thất bại này chắc chắn làm anh ta thất vọng.
Anh ta luôn có thể quy kết chúng cho những tình huống không thuận lợi, những thứ
hiển nhiên là không thể tránh khỏi, chứ không phải do một số sai sót nội tại trong
lý thuyết của anh ta. Nhưng, quan trọng hơn, mọi lập luận thực chứng trong khoa học xã hội đều sống ký
sinh trên một lý thuyết tổng quát nào đó, đòi hỏi một cơ sở mang tính triết học
nhiều hơn. Vấn đề đã được nêu lên và trả lời bởi người theo chủ
nghĩa cá nhân là tại sao những thất bại rõ ràng như thế của chủ nghĩa tập thể đã
diễn ra: phải như thế thì sau đó anh ta mới có thể nói một cách tự tin rằng, những
thất bại đó thực chất là những đặc điểm không thể khắc phục được của lâu đài kinh
tế học xã hội chủ nghĩa.
Tất nhiên, đây là một vấn đề cực kỳ nan giải: liệu những cuộc
tranh cãi trong triết học xã hội có thể được làm cho “ăn khớp” với nhau theo một cách thức nào đó, mà không phải theo lối
thực nghiệm (và do đó chỉ liên hệ với nhau một cách cục bộ) hay không, câu hỏi
này bản thân nó nhất định vẫn cứ là một đối tượng của sự bất đồng quan điểm thường
hằng. Tuy nhiên, đã có một cuộc tranh luận trong lịch sử tư tưởng kinh tế, “cuộc tranh luận về tính toán” nổi tiếng
giữa các nhà kinh tế xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong những năm 1920 và
1930, mà trong cuộc tranh luận đó những người tham gia không đứng tranh cãi trên
những mảnh đất khác nhau, mà dường như ở trong cùng một khuôn khổ lý thuyết chung.
Thêm vào đó, không những họ không tranh luận về “thực tiễn”, mà trái lại, không có bên nào trong số họ bị xô đẩy bởi
bất cứ một hiện tượng thực tế nào. Từ quan điểm của lịch sử tư tưởng kinh tế, cuộc
tranh luận này đã được các nhà kinh tế khảo cứu cẩn thận rồi. Thật vậy, cho tới
tận gần đây, vẫn có một sự đồng thuận giữa các nhà kinh tế chuyên nghiệp rằng, theo
một nghĩa trừu tượng hay lý thuyết nào đó, các nhà kinh tế xã hội chủ nghĩa đã “thắng”[8]. (Bất kể những vấn đề đạo đức, chính
trị và thực tế khá hiển nhiên, những thứ vẫn có thể làm sự chống đối kế hoạch hóa
xã hội chủ nghĩa trở thành dứt khoát). Mục đích của bài viết này là chứng tỏ rằng
kết luận trên là sai lầm xét từ quan điểm của lý thuyết kinh tế. Tuy nhiên, người
ta cũng biết rằng cuộc tranh luận về tính toán không thuần tuý chỉ liên quan đến
kinh tế học; nó còn liên quan đến những vấn đề rộng lớn hơn của triết học xã hội,
mà đa phần đã không được những người trong cuộc thừa nhận một cách công khai.
[1]
Tiểu luận này lần đầu tiên xuất hiện trên Il Politico, một tạp chí về Khoa học
Chính trị của Italia (Trường Đại học Pavia), Tập XLIX, Số 4, năm 1984. Nguồn:
Bút ký kinh tế, số 6 - The Libertarian Alliance, 1986.
[2]
Norman Barry là Giáo sư Chính trị học tại Trường Đại học Buckingham, là tác giả
của các bộ sách: Nhập môn Lý thuyết Chính trị Hiện đại, Triết học Kinh tế và Xã
hội của Hayek, Pháp quyền mới, và Bàn về Chủ nghĩa Tự do Cổ điển và Chủ nghĩa Tự
do-Vị lợi Cổ điển.
[3]
Trường Kinh Tế ĐH Quốc Gia Hà Nội.
[4]
"Tính toán xã hội chủ nghĩa" (Socialist Calculation) là đối tượng của
một trong những cuộc tranh luận lớn nhất trong lịch sử kinh tế học thế kỷ XX,
mà bài viết sau đây sẽ đề cập tới. Cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề liệu một nền
kinh tế xã hội chủ nghĩa kế hoạch hoá có thể thay thế việc tính toán của thị
trường (tự do) trong việc phân bổ nguồn lực và điều tiết giá cả hay không. Nếu
tính toán xã hội chủ nghĩa không thay thế được thị trường, thì coi như Chủ
nghĩa xã hội là không khả thi về mặt lý thuyết, và tất yếu sẽ bị thủ tiêu. Chú
thích đánh dấu (*) đi trước con số là của người dịch (ND), đặt ở cuối trang,
chú thích đánh số trong ngoặc là của tác giả, đặt ở cuối bài theo nguyên tác.
[5]
Miền đất phía Tây Bắc Scotland, nổi tiếng với những bà vợ ghê gớm.
[6]
George J. Stigler (1911-1991), nhận giải Nobel về Kinh tế học năm 1982, "vì
những nghiên cứu đột phá của ông về cấu trúc ngành, chức năng của thị trường và
những nguyên nhân và hậu quả của điều tiết công" (Hội đồng trao giải Nobel
1982). Stigler còn được giới kinh tế học kính trọng với tư cách một sử gia tư tưởng
kinh tế sắc sảo và độc đáo.
[7]
G. Stigler, Công dân và Nhà nước, Chicago, Nxb trường Đại học Chicago, 1975,
tr. 1-13.
[8]
Xem A. Bergson, ‘Chủ nghĩa xã hội’ trong Howard Ellis (ed.), Khảo cứu về Kinh tế
học đương đại,Illinois, Homewood, 1952.
Đọc toàn bộ bài báo khoa học - Nghiên cứu Kinh tế học và Triết học của Chủ nghĩa xã hội
=================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét