CUỘC ĐỜI DANH NHÂN NGUYỄN VĂN SIÊU - CUỘC ĐỜI VÀ VĂN NGHIỆP
Trần Lê Sáng - Nguyễn Đình Chú
Nguyễn Văn Siêu 阮 文 超 (1799-1872), húy là Định 定, sinh vào giờ Sửu ngày mồng Ba tháng Bảy năm Kỷ Mùi (1799) [1]. Theo bộ Chính phả họ Nguyễn ở Kim Lũ 金 纑 阮 氏 正 谱, có thể do Chính Nguyễn Văn Siêu viết, thì “Thủy tổ họ Nguyễn người xã Kim Lũ, thôn Trung (xã Kim Lũ có 3 thôn là thôn Cầu 梂, thôn Trung 中 và thônVăn 文), tổng Khương Đình 姜 亭, huyện Thanh Trì 青 池, phủ Thường Tín 常 信, trấn Sơn Nam 山 南 (nay là Hà Nội)“. Thân phụ Nguyễn Văn Siêu là Nguyễn Công Bảo, do hoàn cảnh gia đình, đã đến ở với bà cô rồi định cư ở phường Đông Các 東 閣 huyện Thọ Xương 壽 昌 (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến Nguyễn Văn Siêu là đời thứ hai. Nhưng khi viết Chính phả, Nguyễn Văn Siêu vẫn lấy thôn Trung, xã Kim Lũ, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì làm nguyên quán.
Huyện Thanh Trì là quê hương của nhiều danh nhân xưa, như Chu Văn An 朱 文 安 (1292-1370), người thôn Văn; Bùi Huy Bích 裴 辉 璧 (1744-1818), người Thịnh Liệt; Nguyễn Công Thái 阮 公 彩 (Thế kỷ XVIII), người cùng làng và cùng họ Nguyễn, được phong tước Kiều Quận công 喬 郡 公 triều vua Lê Dụ Tông, nay còn đền thờ Nguyễn Tướng Công từ 阮 相 公 祠. Kim Lũ, tục gọi làng Lủ, xưa là Vùng nông nghiệp trù phú, nhiều hồ đầm, có sông Tô Lịch chảy qua, lại có nghề làm kẹo bột nổi tiếng. Con gái nhiều nơi thường vẫn muốn lấy chồng về đây. Đây Là vùng đất cổ, là nơi có truyền thống văn hóa lâu đời. Đầu làng có cổng làng cổ kính, cao rộng; Ngoài đề Quan miện 冠 免; Trong đề Cung kính chỉ 恭 敬 止. Có Đôi câu đối: Giáng vân tại tiêu cam lộ bố vọng, Thanh phong động trúc minh nguyệt lâm trì (Mây phủ xuống ban đêm, điềm lành toả khắp/Gió mát lay động cành trúc, trăng sáng dõi mặt ao (Giáng vọng – Thanh trì)).
Nguyễn Văn Siêu có bài Độc Chu Văn Công thi (Đọc thơ Chu Văn An): Phiên âm Đào Hàn Lý Đỗ đa tham thủ Nhất tảo phân vân vãn thế âm Bình thực tận vô kinh khoái ngữ Dịch thơ
Thung dung bất giả tiếu thằng tâm
Di phong viễn vận hà do tưởng
Tề nguyệt quang phong thử lý tầm
Lục tịch dĩ lai thi nhất nghệ
Tính tình đắc xứ diệc vi thâm
(Anh ngôn thi tập)
Đào Hàn Lý Đỗ[2] từng xem đủ
Đọc đến thơ nay những động tâm
Bình dị mà thơ trong sáng lạ
Ung dung lý vẫn chặt vô cùng
Vần lời lưu loát muôn vàn tứ
Trăng gió đâu đây khó kiếm tầm
Sáu sách xưa nay thơ đệ nhất
Tâm tình thanh thản lại cao thâm
Từ thôn Trung quê Nguyễn Văn Siêu đến thôn Văn quê Chu Văn An đường Đi chưa đến vài cây số, có lẽ Nguyễn Văn Siêu cũng thường cùng bạn bè, trong đó có Cao Bá Quát 高 伯 括 (1808-1854), đến thăm đền Đức Thánh Chu. Với Bùi Huy Bích, Nguyễn Văn Siêu đã viết. Trong bài Hành trạng Tiên sinh Bùi Tồn Am Tướng công (Phương Đình văn loại): ”Siêu tôi là người cùng huyện, là hàng con cháu hậu sinh; Khi ông còn, tôi đã đến tuổi đội mũ, nhưng không được đến học. Những trước thuật, sáng tác của ông tôi vẫn thường được đọc ở nhà thầy Lập Trai, thầy bắt phải đọc“. Ông còn viết: “Siêu tôi mỗi lần đọc tế văn của thầy Phạm tế ông, thấy ý trước sau đã viết hết. Người ta chỉ biết được văn chương của ông hay, nhưng như tôi có khi làm được vài câu thơ, vài câu văn, họ bèn nói là tương đắc; Nói vậy là đã không biết tôi, làm sao có thể nói là tương đắc được! Do vậy tôi cứ băn khoăn suy nghĩ, càng nghĩ càng thấy không vượt được mình”.
Theo Chính phả, thân phụ Nguyễn Văn Siêu có đi học, nhưng không đi thi, tính tình trung hậu. Ông mồ côi lúc mới 10 tuổi, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, phải đi dạy học nhiều nơi xa để sinh sống. Sức khỏe yếu nên mới 53 tuổi đã qua đời (Mậu Tý – 1828). Hai năm sau (Tân Mão-1831), bà cũng mất, thọ 55 tuổi.
Năm 7,8 tuổi, Nguyễn Văn Siêu đã theo cha học viết chữ, đọc sách, nhưng không cho làm văn. Năm 13,14 tuổi đã tự làm câu đối treo ở phòng học:
Đạo tự cổ kim vô khúc kính
Thiên đa bồng tất sản cao nhân
(Đạo học xưa nay không có đường tắt
Trời có nhiều nhà tranh lều cỏ giành để sinh ra bậc cao nhân) [3]
Năm 15 tuổi, Định (tức Nguyễn Văn Siêu), theo học thầy Hương cống triều Lê là Thọ Bình Trần Công Tiến 壽 平 陳 公 進 ở Bằng Liệt. Đọc khắp các sách Kinh, Truyện, Chư sử; Rồi được dạy làm thơ, viết văn xuôi như các loại châm, minh, hịch, biểu, luận, biện.. . Lại cho chép tóm tắt tinh yếu thi văn chư gia các đời Hán, Đường, Tống vào sổ tay. Rồi bắt tìm rộng trong điển tích hoặc Y lý cho đến Vũ kinh, có chỗ đáng trích thì cũng phải sao chép, mở rộng kiến văn (Chính phả).
Sau đó, Nguyễn Văn Siêu được gửi theo học Tiến sĩ Lập Trai Phạm Quý Thích 范 贵 適 ở Hoa Đường 華 堂 (có bản chép Lương Đường 良堂), tỉnh Hải Dương. Trường của thầy LậpTrai được tiếng dạy phép cổ văn, cổ thi đúng nề nếp khoa cử. Ông Tá Lĩnh 佐 領 ở La Khê 羅 溪 dẫn Nguyễn Văn Siêu nhập học. Nguyễn Văn Siêu dốc chí vào việc học tập; Bắt đầu sao chép Loại biên 20 quyển, đêm khuya che đèn ghi chép, chưa từng bỏ sót một chữ. Khoa thi hương năm Ất Dậu (1825), ông đi thi đậu á nguyên, tức đậu cử nhân thứ hai. Hơn 10 năm sau, năm Mậu Tuất (1838), Nguyễn Văn Siêu thi hội chỉ đỗ phó bảng (tức phụ bảng). Khoa thi hội này có 10 Phó bảng, theo Huỳnh Thúc Kháng, chỉ có “Nguyễn Văn Siêu là người danh tiếng” (Nguyễn Như Thiệp, Nguyễn Văn Đề: Ngọn bút thần Nguyễn Văn Siêu).
Chuyện lận đận trong việc thi cử của Nguyễn Văn Siêu, các sách ghi chép có khác nhau. Theo Ngọn bút thần Nguyễn Văn Siêu thì “Thần Siêu học thông như thần, song chữ viết thì xấu như ma thật. Thế nên vua Tự Đức có thơ đùa rằng:
Thần đâu mà chữ xấu như ma
Lem lọ cho người ngó chẳng ra
Nếu phải họa phù trừ quỷ tặc
Khôn thiêng thì phải hộ Hoàng gia
.. . Nhưng theo ngu ý, thì một người nào văn đã hay thì chữ phải xấu mới đúng.
Không lẽ một người mà vừa có hoa bút, vừa có hoa tay?“ … (Tr. 27).
Theo Hoàng Hữu Yên trong Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII nửa đầu Thế kỷ XIX (Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 1962) Thì cả Cao Bá Quát và Nguyễn Văn Siêu sở dĩ thi hỏng nhiều lần một phần vì không chịu tuân theo khuôn khổ của lối văn trường ốc, nhưng phần chính vì bọn quan trường ghen tài. Tác giả sách này nói: ”Theo ông (Nguyễn Văn Siêu), thi cử đã làm hư hỏng trí tuệ của học trò“; Chạy theo thi cử chỉ là cái lối “trộm cắp những lời nói cũ” và đâm đầu vào “bùn lấm”.. . Chính Nguyễn Văn Siêu trong bài Hai loại văn chương cũng viết: “Phàm những kẻ chỉ cầu mong thi đỗ, ngoài ra không còn một cái học nào khác. Họ không biết rằng: Tu sửa cái gốc, thì cái ngọn cũng dầy lên. Nếu chỉ che đậy qua loa cái trách nhiệm gần thì bỏ mất trách nhiệm xa“ (Từ trong di sản; Nxb Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam, Hà Nội, 1981, tr. 126).
Cũng theo bộ Kim Lũ Nguyễn Thị Chính phả, khi Định đã đỗ cử nhân thì đem tất cả sách nhâm môn độn ất đốt hết, vì cho rằng các sách này không nên học. Chỉ đọc sách Nội kinh để chữa bệnh; Đọc sách địa lý để biết tính hình sông núi để lúc làm văn không bị nhầm lẫn.
Nguyễn Văn Siêu còn cho biết, ông rất thích phong thủy, ưa nhất là núi sông vùng An Sơn Thạch Thất. Mỗi năm đến mùa xuân, thường cùng bè bạn và học trò đi chơi, có bận đến mươi ngày. Khi về nói cùng mọi người nói về ngôi mộ Tổ ở Kim Lũ. Nói rằng địa mạch ven sông Tô là đoạn hoành lạc long hành mã tích đáng yêu, nhưng hiển lộ sự thiếu hàm súc, ngoại nhược hữu dư nội bất túc. Bên hữu sa thế mạnh, hợp với chi thứ; Bên tả sa tà phi, long thủy không đến nhà thờ, chi Trưởng không phát.
..............................................
LINK ĐỌC TOÀN BỘ BÀI BÁO KHOA HỌC CUỘC ĐỜI DANH NHÂN NGUYỄN VĂN SIÊU - CUỘC ĐỜI VÀ VĂN NGHIỆP
====================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét