Biên dịch: Hải Đăng –
Hiệu đính: Sỹ Ánh[1]
Cuộc khủng hoảng 1997-1998 đã thách thức khả năng
phục hồi nhanh chóng của các nền kinh tế Đông Á và đặt ra một dấu hỏi về khả năng
lấy lại đà tăng trưởng đã tạo thành đặc trưng “điều kỳ diệu” của các nước Đông Á[2]. Sự tự tin
đã nhường bước cho những ngờ vực đáng phiền toái, thúc đẩy những nghiên cứu trên diện rộng để tìm ra
câu trả
lời.
Nghiên cứu này nhằm xác định những chọn lựa sẵn
có đối với các nền kinh tế Đông Á khi các nước này cố gắng giành lại và duy trì
sự tăng trưởng nhanh trong một thế giới thay đổi, ngày càng mang tính cạnh tranh
và hội nhập hơn. Nghiên cứu này luận cứ rằng sự phục hồi sẽ tùy thuộc vào việc giữ
được những sức mạnh của quá khứ (sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự cởi mở đối với thương
mại, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao, và sự phát triển nguồn nhân lực), việc khắc
phục những yếu kém của hiện tại (trong khu vực tài chính, quản trị doanh nghiệp,
sự giám sát mang tính chế định, khuôn khổ luật pháp, việc quản lý tỷ giá hối đoái,
và sự bảo vệ xã hội), và khai thác được nhiều hơn động lực tăng trưởng từ sự đổi
mới hơn là từ việc tích lũy các nhân tố sản xuất.
Việc nghiên cứu tập trung vào các biện
pháp chính sách cần thiết cho sự chuyển đổi này. Chương này cung cấp một sự giới
thiệu về các điều kiện kinh tế trong khu vực, tiếp sau đó là một cái nhìn tổng quan
về các vấn đề được nghiên cứu trong quyển sách. Chương
2 thảo luận các cải cách ở tầm quốc gia thích hợp nhất cho việc khắc phục những
yếu kém hiện tại, và Chương 3 mở rộng việc thảo luận đến sự hợp tác giữa các nước
như là một cách thức để tăng cường sức mạnh khu vực. Chương 4 đến Chương 8 tập trung
vào các sáng kiến cần thiết để nuôi dưỡng năng lực đổi mới, và Chương 9 đúc kết
những thông điệp chính sách chính yếu của nghiên cứu.
NHỮNG NỀN TẢNG CỦA THÀNH CÔNG TRONG QUÁ KHỨ
Đông Á đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa
từng có trong tiền lệ lịch sử kinh tế cận đại, và những định tố của sự tăng trưởng
đó đã được nghiên cứu rộng rãi[3]. Những điểm
mạnh của mô hình tăng trưởng Đông Á được thấy rõ nhất khi so sánh Đông Á với các
khu vực đang phát triển khác (bảng 1.1). Sự ổn định kinh tế vĩ mô đã tạo ra một
bệ phóng lý tưởng; Tốc độ lạm phát xuyên suốt thập niên 1980 và cho đến năm 1997
ở Đông Á là thấp hơn so với châu Mỹ Latinh và Caribê, Nam Á, và tiểu vùng Sahara
châu Phi. Sự ổn định này được thúc đẩy bởi một nền kinh tế cởi mở hơn rất nhiều,
được đo bằng tỷ trọng của thương mại trong tổng sản phẩm nội địa (GDP). Các tỷ lệ
tiết kiệm và đầu tư cũng cao hơn nhiều, và lực lượng lao động có trình độ học vấn
cao hơn đáng kể (được đo bằng tỷ lệ nhập học ở cấp phổ thông cơ sở và trung học
cơ sở); Những yếu tố này đã đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa.
[1] Từ chương trình đào tạo ĐH Fulbright với môn học
Kinh Tế Phát Triển
[2] Đông Á được định nghĩa bao gồm Trung
Quốc, Hồng Công, Inđônêxia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia, Philíppin, Xingapo,
Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
[3] 2 Đã có rất nhiều
tài liệu nghiên cứu về sự phát triển ở Đông Á kể từ kỷ nguyên tăng trưởng nhanh
bắt đầu vào cuối thập niên 1960. Các nghiên cứu này trải từ những nghiên cứu từng
quốc gia riêng lẻ cho đến những nghiên cứu liên quốc gia ở tầm khu vực hay tiểu
vùng. Hầu hết các nghiên cứu tập trung vào những nhân tố tạo ra sự nổi lên của
các ngành công nghiệp chế tác hướng về xuất khẩu bởi vì đây chính là lĩnh vực
mà Đông Á đã nổi bật lên. Ngân hàng Thế giới (1993) đã cho chúng ta một cái
nhìn sáng tỏ về sự tăng trưởng cho đến cuối thập niên 1980. Các ấn phẩm sách gần
đây nghiên cứu sự phát triển liên quốc gia trong khu vực: ví dụ, Argawal và các
tác giả khác (2000) tập trung vào các chính sách liên quan đến khả năng cạnh
tranh trong ngành công nghiệp, và Timmer (2000) tập trung vào khu vực công nghiệp chế tác. Các cuộc khủng hoảng ở Đông Á đã làm xuất
hiện hàng loạt ấn phẩm về những nguyên nhân của khủng hoảng và cách mà các quốc
gia này đối phó với khủng hoảng. Để biết thêm chi tiết về những vấn đề này, hãy
xem Haggard (2000), Noble và Ravenhill (2000), Stiglitz và Yusuf (2000), và Yu
và Xu (2001). Về Hàn Quốc, hãy xem Emery (2001) và Smith (2000). Về Inđônêxia,
hãy xem Hill (2000b). Chỉ riêng những ấn phẩm về Trung Quốc đã có thể tạo thành
một thư viện nhỏ.
....................................
===================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét