ĐINH BỘ LĨNH- LOẠN SỨ QUÂN: TỪ SỬ LIỆU TỚI SỬ THỰC
TS. Trần Trọng Dương [1]
Mục Lục
Mở đầu – Tóm lược
1. Từ biểu tượng Hoàng đế dẹp loạn
2. Đến hình ảnh con người sống động qua sử liệu
3. Đinh Bộ Lĩnh - từ góc nhìn của chính triều (nhà Ngô)
4. Sử liệu và sử thực về cục diện loạn sứ quân
4.1. Lã Xử Bình- sứ quân khuất lấp
4.2. Tự vương Ngô Xương Xí
4.3. Cục diện các sứ quân
Mở đầu – Tóm lược
Từ những sử liệu mới công bố, bài viết nghiên cứu về Đinh Bộ
Lĩnh và loạn sứ quân ở thế kỷ X. Bước đầu có thể đưa ra những nhận định sau. Việc
cát cứ ở triều nhà Ngô đã bắt đầu từ năm 951 tới năm 965 với Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa
Lư. Như vậy, Đinh Bộ Lĩnh là người cát cứ nổi dậy sớm nhất, tồn tại lâu nhất. Cục
diện loạn sứ quân thực sự diễn ra với sự cướp quyền của Lã Xử Bình sau cái chết
của Ngô Xương Văn năm 965. Năm 967, với hai ba chiến thắng quan trọng trước quân
đội của nhà Ngô, tiêu diệt phe tiếm quyền của Lã Xử Bình, Đinh Bộ Lĩnh đã buộc các
sứ quân còn lại phải quy thuận, chấm dứt sự tồn tại của nhà Ngô và mở ra một triều
đại mới- triều đại nhà Đinh.
Đinh Bộ Lĩnh là một trong ba nhân vật lịch sử được nhắc đến nhiều
nhất trong giai đoạn lịch sử Việt Nam thế kỷ X. Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng
vang dội đánh tan đội quân hùng mạnh Nam Hán được coi là “ông tổ trung hưng thứ
nhất” của dân tộc (chữ của Phan Bội Châu). Lê Hoàn đánh tan đại quân nhà Tống- một
nhà nước đã chấm dứt giai đoạn Ngũ đại Thập quốc, thống nhất phần lớn lãnh thổ Trung
Nguyên và đang trên đà trở thành một đế chế. Nếu như hai vua trên thể hiện trên
lĩnh vực chống ngoại xâm thì Đinh Tiên Hoàng được coi là người đã có công trong
việc dẹp yên nội loạn mười hai sứ quân. Đặc điểm chung nhất của cả ba vị là kiến
quốc trên lưng ngựa [4]. Bài viết này, từ những sử liệu tái phát hiện hoặc mới lần
đầu công bố, sẽ tiến hành nghiên cứu về bản chất của danh xưng “loạn mười hai sứ
quân”, cũng như vai trò vị trí của Đinh Bộ Lĩnh trong cuộc động loạn của xã hội
Việt Nam thế kỷ X. Những kết luận hay nhận định chúng tôi sẽ đưa ra trong bài viết
phần nào cho chúng ta thấy một hình ảnh khác phong phú hơn, sinh động hơn về vị
anh hùng Đinh Bộ Lĩnh so với những gì đã được biết đến lâu nay.
1. Từ biểu tượng Hoàng đế dẹp loạn
Hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh xuất hiện trong thế kỷ X như một vị anh
hùng dẹp loạn lâu nay đã trở thành một biểu tượng cho sự nhất thống quốc gia, đến
mức dân gian nhiều đời cũng như chính sử lịch triều ít nhiều hư cấu nên một số tình
tiết huyền thoại nhằm tô điểm thêm cho một thần điện tông miếu chính thống: Hoàng
đế dẹp loạn.
Mở sách giáo khoa Lịch sử lớp bảy (2011), ta có thể thấy mục
“Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước” có đoạn như sau: “Khi nhà Ngô sụp đổ, cả nước
rối loạn, Đinh Bộ Lĩnh đem quân đi đánh dẹp các sứ quân. Nhờ sự ủng hộ của nhân
dân, Đinh Bộ Lĩnh liên kết với sứ quân Trần Lãm, chiêu dụ được sứ quân Phạm Bạch
Hổ, tiến đánh các sứ quân khác…Các sứ quân lần lượt bị đánh bại hoặc xin hàng. Tình
trạng cát cứ chấm dứt” [5].
Đầu thế kỷ XX (1920), Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược ghi:
“Những Sứ-quân ấy cứ đánh lẫn nhau, làm cho dân-gian khổ-sở. Sau nhờ có ông Đinh
bộ Lĩnh ở Hoa-lư đem quân đi đánh, mới dẹp xong cái loạn sứ-quân, đem giang-sơn
lại làm một mối, và lập nên cơ nghiệp nhà Đinh vậy” [6].
Khảo trong sử liệu cũ, hình ảnh ông vua dẹp loạn đã xuất hiện
từ thế kỷ XVII trong tác phẩm Thiên Nam minh giám [7]:
Tiếc giềng Ngô máy then lỏng phép,
Cho quần hùng đầu ngảnh ghe [8] nơi.
Sứ quân bừng dấy mười hai,
Kiến ong nổi tháo [9], hươu nai tranh giành,
Tới Đinh Hoàng thoắt rành đánh tội,
Nước rừng yên, kình sói bặt hơi. (c. 177-182)
Các văn bia tại đền vua Đinh (Ninh Bình) Được dựng đầu thế kỷ
XVII đều ca ngợi đội quân của Đinh Bộ Lĩnh là quân chính nghĩa (nghĩa lữ), và Đinh
Tiên Hoàng được coi là vị vua chính thống đầu tiên của nước Việt (chính thống chi
quân tự thử) [10].
=====================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét