Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

NGHIÊN CỨU SỰ NGỤY TẠO TRÍ THỨC



Friedrich August Von Hayek - Đinh Tuấn Minh dịch và chú thích



Hiện tượng thất nghiệp trên diện rộng hiện nay có nguyên nhân sâu xa từ việc áp dụng phương pháp nghiên cứu duy khoa học trong các lý thuyết kinh tế học phổ biến gầy đây. Đó là phương pháp nghiên cứu bắt chước phương pháp nghiên cứu dựa trên khả năng đo lường chính xác, được xem là thành công trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, các hiện tượng kinh tế nói riêng và các hiện tượng xã hội nói chung là các hiện tượng phức, nơi khả năng đo lường các khía cạnh của hiện tượng bị hạn chế. Vì thế, việc bắt chước áp dụng các phương pháp nghiên cứu thành công trong lĩnh vực tự nhiên vào lĩnh vực xã hội tất sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại cho nền văn minh của loài người.


bai bao khoa hoc,triet hoc va ly luan kinh te,su nguy tao tri thuc, friedrich august von hayek,dinh tuan minhCó hai lý do khiến tôi khó có thể khước từ lựa chọn chủ đề này. Thứ nhất đây là cơ hội đặc biệt để trình bày. Tiếp đến, đây là thời điểm mà các nhà kinh tế học đang phải đối mặt với vấn đề thực tiễn cơ bản. Dưới con mắt của công chúng, việc trao giải Nobel cho chuyên ngành khoa học kinh tế gần đây chứng tỏ chuyên ngành này đã có những tiến bộ đáng kể, đáng được ghi nhận và kính trọng tương tự như các nghành khoa học tự nhiên. Và tại thời điểm này, công chúng đang trông đợi các nhà kinh tế đưa ra các giải pháp để giúp cho thế giới tự do tránh khỏi sự đe dọa nghiêm trọng của nạn lạm phát đang gia tăng; và chúng ta phải thừa nhận rằng nguyên nhân của vấn nạn này bắt nguồn từ các chính sách được đa số các nhà kinh tế khuyến nghị, thậm chí thúc giục, chính phủ theo đuổi. Thực sự thì hiện tại chúng ta chẳng có gì đáng để tự hào: chúng ta, những chuyên gia kinh tế, đã làm mọi thứ trở nên hỗn loạn.


Theo tôi, việc các nhà kinh tế học thất bại trong việc đưa ra chính sách tốt có quan hệ chặt chẽ với khuynh hướng bắt chước gần như y nguyên các phương pháp nghiên cứu áp dụng trong các ngành khoa học tự nhiên. Mặc dù các phương pháp này đã thành công rực rỡ trong đúng lĩnh vực của nó nhưng việc cố gắng bắt chước chúng trong lĩnh vực của chúng ta có khả năng dẫn đến những sai lầm khôn lường. Đó chính là cái cách tiếp cận mà tôi gọi là “duy khoa học” và cách đây 30 năm tôi đã viết về nó như sau: “là hoàn toàn phi khoa học theo nghĩa đen của ngôn từ, bởi nó liên quan tới việc ứng dụng một cách máy móc và thiếu tính phê phán các thói quen tư duy hình thành trong lĩnh vực này vào các lĩnh vực khác”[3].


Trong bài thuyết trình ngày hôm nay, cho phép tôi bắt đầu bằng việc lý giải tại sao việc áp dụng cách tiếp cận “duy khoa học’ sai lầm này lại trực tiếp gây ra một số sai lầm chết người trong chính sách kinh tế gần đây.


Lý thuyết dẫn dắt chính sách tài chính và tiền tệ trong 30 năm qua có thể gói gọn lại trong một mệnh đề như sau: tồn tại mối tương quan thuận chiều giản đơn (simple positive correlation) giữa tổng lực lượng lao động và tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ. Đây là lý thuyết mà tôi cho rằng là sản phẩm của cách tiếp cận “duy khoa học” sai lầm nói trên. Lý thuyết này khiến chúng ta tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo được tình trạng toàn dụng lao động bằng cách duy trì tổng chi tiêu danh nghĩa (total money expenditure) ở một mức độ thích hợp. Có rất nhiều lý thuyết khác nhau được đưa ra để lý giải tình trạng thất nghiệp lan tràn, nhưng đây có lẽ là lý thuyết duy nhất được hỗ trợ mạnh mẽ bằng các các bằng chứng định lượng. Tuy nhiên, tôi coi đây là một sai lầm cơ bản và việc áp dụng lý thuyết này, như giờ đây chúng ta nhận thấy, dẫn đến những hậu quả rất tai hại.


Vậy vấn đề cốt yếu ở đây là gì? Không giống như trong khoa học tự nhiên, trong kinh tế học cũng như trong những ngành học thuật phải giải quyết những hiện tượng có bản chất phức, số lượng các khía cạnh của sự kiện đang xem xét có thể thu thập được dữ liệu định lượng thường rất hạn chế, và có thể đấy lại là các khía cạnh không quan trọng. Trong khi trong các ngành khoa học tự nhiên, chúng ta thường giả định, với lý do xác đáng, rằng bất kỳ yếu tố quan trọng, đóng vai trò quyết định đối với sự kiện đang xem xét đều có thể quan sát và đo lường trực tiếp được, thì chúng ta lại hầu như không thể làm được như vậy trong nghiên cứu các hiện tượng phức, chẳng hạn thị trường, bởi thị trường là hiện tượng phụ thuộc vào hành động của nhiều cá nhân, là kết quả của một quá trình được quyết định bởi vô vàn các yếu tố mà chúng ta rất khó biết được tường tận và đo lường đầy đủ. Và trong khi nhà nghiên cứu trong các ngành khoa học tự nhiên có thể, trên nền tảng một lý thuyết tạm được chấp nhận là đúng (prima facie theory), đo lường được những yếu tố mà anh ta cho là quan trọng thì trong các ngành khoa học xã hội thường chỉ những gì có thể đo lường được mới được anh ta coi là quan trọng. Và điều này đôi lúc đẩy người ta tới chỗ phải xây dựng các lý thuyết về xã hội theo hướng chỉ bao gồm các yếu tố đo lường được.


Đòi hỏi kiểu như vậy, không nghi ngờ gì, đã loại bỏ một cách khá tùy tiện những dữ kiện (facts) được thừa nhận có thể là nguyên nhân của sự kiện diễn ra trong thực tế. Quan điểm này, một quan điểm thường được dễ dãi chấp nhận như là điều kiện bắt buộc của một quy trình khoa học đúng đắn, đã dẫn đến một số hậu quả khá nghịch lý. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng đa phần các dữ kiện liên quan đến thị trường và những cấu trúc xã hội tương tự là không thể đo lường được; thực ra, chúng ta chỉ biết một số ít thông tin khái quát và thiếu chính xác về chúng. Và bởi ảnh hưởng của các dữ kiện này trong bất kỳ trường hợp cụ thể nào đều không thể xác nhận được bằng bằng chứng định lượng, chúng đơn giản sẽ bị những người tuân thủ qui tắc khoa học chỉ chấp nhận những cái được chứng thực bằng bằng chứng định lượng bỏ qua: những người này tiếp tục hài lòng với câu chuyện rằng chỉ những yếu tố có thể đo lường được mới là những thứ có liên quan.


Chẳng hạn, mối tương quan giữa tổng cầu và tổng lực lượng lao động có thể chỉ mang tính tương đối, nhưng vì đó là mối quan hệ duy nhất chúng ta có dữ liệu định lượng nên nó được chấp nhận như là mối quan hệ nhân quả duy nhất có ý nghĩa. Nếu dựa trên chuẩn mực [định lượng] này, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy bằng chứng “khoa học” có lợi cho một lý thuyết sai lầm thay vì cho một lý thuyết đúng đắn; lý thuyết sai lầm được chấp nhận vì nó có vẻ “khoa học” hơn, còn lý thuyết đúng đắn bị bác bỏ vì thiếu bằng chứng định lượng ủng hộ. Để minh họa điều này, tôi xin trình bày ngắn ngọn nguyên nhân chính gây ra nạn thất nghiệp trên diện rộng; việc chỉ ra nguyên nhân này cũng là lời giải đáp cho câu hỏi tại sao không thể giải quyết được vĩnh viễn vấn đề thất nghiệp bằng chính sách lạm phát theo khuyến nghị của lý thuyết đang thịnh hành. Theo tôi, nạn thất nghiệp tồn tại là vì có những bất tương thích giữa:

(i) phân bố cầu (distribution of demand) giữa các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau và

(ii) phân bổ lao động và các nguồn lực khác cho việc sản xuất ra các sản phẩm đầu ra đó. Chúng ta có hiểu biết “định tính”  khá tốt về các lực lượng làm cho cung và cầu trong các khu vực khác nhau của hệ thống kinh tế tương thích nhau, về các điều kiện để sự tương thích đó diễn ra, và về các yếu tố có thể cản trở quá trình dẫn đến sự tương thích đó.

........................
=====================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét