Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

TÌM HIỂU CHIẾN LƯỢC MARKETING CỦA THƯ VIỆN YALE HOA KỲ THÔNG QUA MẠNG XÃ HỘI

TÌM HIỂU CHIẾN LƯỢC MARKETING CỦA THƯ VIỆN YALE HOA KỲ THÔNG QUA MẠNG XÃ HỘI


1. Lý do chọn đề tài

MỞ ĐẦU

Hiện nay trên thế giới có hàng trăm trang mạng xã hội khác nhau với sự tham gia của hàng trăm triệu thành viên trên khắp thế giới, mà chúng ta có thể điểm ngay tên những trang nổi tiếng và thành công nhất như Facebook, Myspace,

Worldpress, Flickr, Hi5, tagged, bebo, Y! 360… Bằng những tính năng vượt trội của mình, các trang mạng xã hội này đã thu hút đông đảo người đăng kí và sử dụng. Trong đó, Facebook và Myspace là hai trang mạng thành công nhất hiện nay với con số thành viên được thống kê lên tới hàng trăm triệu.

Chính bởi sự thành công về về cả số lượng lẫn chất lượng của hệ thống những mạng xã hội ảo này, các nhà đầu tư đã tìm ra một trong những chiến lược marketing tốt nhất để quảng bá cho sản phẩm của mình. Tại Việt Nam, việc quảng cáo trực tuyến qua mạng xã hội cũng không còn xa lạ so với phần lớn những doanh nghiệp và những lợi ích mà nó mang lại cũng đáng để tất cả các nhà kinh doanh phải quan tâm. Nhờ khả năng tương tác và định hướng cao, những chiến lược marketing này đang dần chiếm được một thị phần đáng kể trên thị trường và đang lấn sân các loại hình quảng cáo truyền thống. Tất nhiên, lĩnh vực thông tin - thư viện cũng không thể đứng ngoài cuộc. Bằng những bước tìm kiếm đơn giản trên mạng, ta có thể biết được một số lượng rất lớn các thư viện và cán bộ thư viện nước ngoài đang sử dụng mạng xã hội như một công cụ đắc lực để quảng bá hình ảnh thư viện, giới thiệu sản phẩm - dịch vụ thư viện và chia sẻ cộng đồng những thông tin, kỹ năng cần thiết. Nắm bắt điều đó với xu thế tất yếu của thời đại, tôi quyết định nghiên cứu đề tài: “CHIẾN LƯỢC MARKETING CỦA THƯ VIỆN ĐẠI HỌC YALE, HOA KỲ QUA

MẠNG XÃ HỘI FACEBOOK” nhằm giải quyết phần nào chiến lược phát triẻn và quảng bá ngành Thông tin – Thư viện của Việt Nam trong tương lai.

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Về đối tượng nghiên cứu, đề tài mang đến những cái nhìn tổng quan về chiến lược marketing thông qua trang mạng Facebook của thư viện trường đại học Yale, Hoa Kỳ.

- Về phạm vi nghiên cứu, đề tài tập trung làm sáng tỏ những lợi ích của trang mạng xã hội facebook trong chiến lược marketing của thư viện đại học Yale, Hoa Kỳ từ khi thư viện gia nhập cộng đồng Facebook tháng 10/2008 cho đến nay.

3. Phương pháp nghiên cứu

Để giải quyết đề tài, tôi sử dụng những phương pháp sau:

- Phương pháp phân tích tài liệu: Đề tài đi sâu nghiên cứu một đối tượng cụ thể nên đây là phương pháp chủ yếu trong suốt quá trình thực hiện đề tài.

- Phương pháp so sánh: Đề tài khẳng định vai trò của trang mạng xã hội trong chiến lược marketing nên nhất thiết phải có sự so sánh, đối chiếu nhằm tìm ra sự khác biệt và vượt trội đối với những giải pháp marketing khác

4. Những đóng góp của đề tài

Với việc tìm hiểu, đánh giá chiến lược marketing trên mạng xã hội Facebook của trường đại học Yale của Hoa Kỳ, tôi hy vọng rằng những cán bộ thư viện sẽ có những giải pháp mới về hình thức marketing trong lĩnh vực thông tin thư viện ở Việt Nam qua các trang mạng xã hội - một hình thức đã được sử dụng và phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Sâu hơn nữa, đề tài có thể là những gợi ý cho các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ có những định hướng phát triển các ứng dụng hữu ích đối với ngành thông tin - thư viện trên trang mạng “nền tảng lập trình”  Facebook.

5. Kết cấu đề tài

A. Mở đầu

B. Nội dung

Phần 1: Tìm hiểu về marketing và giới thiệu mạng xã hội – Facebook

1.1. Tìm hiểu về marketing

1.2. Giới thiệu mạng xã hội Facebook

Phần 2: Chiến lược marketing của thư viện đại học Yale, Hoa Kì thông qua mạng Facebook

2.1. Vài nét về thư viện đại hoc Yale, Hoa Kì

2.2. Vì sao thư viện đại học Yale lựa chọn Facebook Phần 3: Ứng dụng vào Việt Nam

3.1. Tình hình Marketing trực tuyến tại Việt Nam

3.2. Khó khăn và thách thức

3.3. Cơ hội và triển vọng

C. Kết luận

NỘI DUNG

1. Tìm hiểu về marketing và giới thiệu mạng xã hội – Facebook

1.1. Tìm hiểu về marketing

Thuật ngữ marketing đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới và là một trong những chính sách được quan tâm hàng đầu của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Marketing được xem như một lĩnh vực “nóng” đối với nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Vậy marketing là gì? Có rất nhiều quan điểm, nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ này. Để có cái nhìn tổng quan về lĩnh vực này, tôi xin trích dẫn quan điểm hiện đại của giáo sư Philip Kotler (1): “marketing là quá trình mà những cá nhân hoặc tập thể đạt được những gì họ cần và muốn thông qua việc tạo lập, cống hiến, và trao đổi tự do giá trị của các sản phẩm và dịch vụ với nhau”

Xét về lĩnh vực thông tin – thư viện, từ điển giải nghĩa thư viện học và tin học Anh - Việt (ALA-1961) Đã đưa ra định nghĩa về marketing như sau: “Marketing - Tiếp thị: Một nhóm hoạt động có mục đích dùng để cổ vũ cho sự trao đổi một cách xây dựng và đáp ứng giữa nhà cung cấp dịch vụ thư viện và truyền thông với người đang sử dụng hay có thể là người sử dụng những dịch vụ này. Những hoạt động này quan tâm đến sản phẩm, giá cả, phương pháp giao hàng và phương pháp quảng bá sản phẩm” [3]. Trong nền kinh tế tri thức với sự bùng nổ của thông tin, người sử dụng đứng trước rất nhiều sự lựa chọn trong việc tìm kiếm nguồn tin. Vậy đứng trước những thách thức này, việc tìm ra những chiến lược marketing đúng đắn là mối quan tâm hàng đầu của những người cán bộ thư viện. Những chiến lược này sẽ là những quyết định hoạt động mang tính chất dài hạn mà mỗi cơ quan, trung tâm thư viện cần thực hiện để đạt được mục tiêu của mình.

1.2. Sơ lược mạng xã hội - Facebook


Mạng xã hội (social network) Là một hệ điều hành web kết nối các thành viên trên Internet với nhau với nhiều mục đích khác nhau mà không phân biệt địa lý và thời gian. Thế giới hiện nay phát triển hàng trăm mạng xã hội  khác nhau với sự tham gia của hàng trăm triệu thành viên trên thế giới. Những trang mạng xã hội ảo dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với phần lớn các cư dân mạng bởi những tính năng kết nối cộng đồng một cách hoàn hảo. Chúng ta không thể bỏ qua những hãng nổi tiếng  và thành công nhất như Facebook, Myspace, Worldpress, Flickr, Hi5, tagged, bebo, Blog Y! 360… Trong đó, Myspace và Facebook là hai trang mạng xã hội thống lĩnh tại thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu; Orkrut và Hi5 tại Nam Mỹ; Friendster tại Châu Á và các đảo quốc Thái Bình Dương. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến một số mạng xã hội gặt hái được những  thành công đáng kể tại một số đất nước như Bebo tại Anh Quốc, CyWorld tại Hàn Quốc, Mixi tại Nhật Bản và đặc biệt ở Việt Nam với sự lan tỏa của mạng blog… Hiện nay, hai trang mạng nổi tiếng nhất là Facebook và Myspace với số lượng thành viên lên đến con số hàng trăm triệu. Cũng bởi lý do này mà những trang mạng này trở thành những công cụ lý tưởng để các nhà chiến lược thoả sức tận dụng và khai thác để quảng bá hình ảnh của mình.

Facebook là mạng xã hội ảo với đầy đủ các tính năng như chat, email, phim ảnh, chia sẻ dữ liệu, xã luận, kết nối bạn bè, quảng cáo…Người sáng lập ra Facebook là Mark Zuckerberg, khi đó đang là sinh viên đại học Havard. Phiên bản đầu tiên được xây dựng vào 10/2003 với tên gọi Facemash và đến tháng 2/2004, phiên bản chính thức Facebook ra đời với nhiều tính năng vượt trội. Tháng 10/2008, Facebook thiết lập trụ sở quốc tế tại Dublin, Ireland. Đối với các nhà chuyên gia, Facebook với sự ra đời của nó đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong hệ thống mạng xã hội trực tuyến. Điều đó cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi những ưu việt và nền tảng lập trình “Facebook platform”  cho phép các thành viên tự tìm kiếm, phát triển các ứng dụng trên trang cá nhân cho mình và bạn bè mình sử dụng. Facebook không chỉ là một công cụ để các thành viên giao tiếp với nhau mà nó còn là một một mạng xã hội được các nền văn hóa trên khắp toàn cầu chấp nhận. Hiện nay, Facebook đang sở hữu những con số đáng nể:

- 150 triệu là số lượng thành viên của Facebook.

- 15 triệu là số ngưòi dùng cập nhật thông tin mỗi ngày

- 5 triệu là số lượng người đăng nhập mỗi tuần

- 850 triệu hình ảnh được tải lên trang web một tháng

- 24 triệu mẩu nội dung (các liên kết trang web, tin tức, các câu chuyện, bài đăng trên blog, ghi chú, hình ảnh…) Được chia sẻ mỗi tháng

- 3,5 triệu người trở thành Fan của trang Facebook mỗi ngày.

- Trung bình một người có 120 người bạn trên Facebook.

Những con số này đã trả lời một cách đầy đủ nhất cho câu hỏi tại sao các nhà quản lý và đầu tư lại chọn Facebook như một công cụ hữu hiệu để marketing sản phẩm của mình.

2. Chiến lược marketing thư viện đại học Yale, Hoa Kỳ qua mạng xã hội Facebook.

2.1. Vài nét về thư viện đại học Yale, Hoa Kỳ

Đại học Yale là một trường đại học tư thục ở thành phố New Haven, bang Connecticut, Hoa Kỳ. Được thành lập năm 1701, đại học Yale là trường lâu đời thứ 3 của Hoa Kỳ và cũng là một trong 8 thành viên của liên đoàn thể thao Ivy League trực thuộc Hiệp hội thể thao đại học quốc gia Hoa Kỳ (National Collegiate Athletic Association).

Đại học Yale xếp hạng thứ 2 trong top 200 trường cao đẳng  đại học tốt nhất thế giới (theo xếp hạng của U. S News World Report). Đại học Yale cũng là trường đầu tiên ở Hoa Kỳ cấp bằng Tiến sĩ vào năm 1861. Vốn hỗ trợ hằng năm của trường lên tới 17 tỉ USD, chỉ sau đại học Havard. Yale và Havard là đối thủ của nhau trong tất cả các lĩnh vực giáo dục đại học, đặc biệt là học thuật và thể thao. Có thể nói đại học Yale là trường đại học dẫn đầu và có uy tín hàng đầu trên thế giới, là trường đào tạo nhiều thế hệ tổng thống Mỹ nhất.

Đại học Yale có một hệ thống thư viện hoàn hảo với số đầu sách xấp xỉ con số 13 triệu tập sách. Thư viện đại học Yale là thư viện đại học có bộ sưu tập sách lớn thứ 2 ở Hoa Kỳ và là một trong những thư viện khoa học dẫn đầu về vốn tài liệu - vốn tài liệu quý hiếm, cách thức thu thập và phát triển nguồn tin, cách thức tổ chức kho giá, cách thức bảo quản tài liệu, cách thức cung cấp điểm truy cập và những dịch vụ hàng đầu cho người sử dụng. Thư viện đại học Yale là hệ thống toà nhà được thiết kế tinh xảo theo lối kiến trúc Gothic của Châu Âu cổ với những trang thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại để phục vụ sinh viên và cán bộ giảng dạy trong trường.

2.2. Vì sao thư viện đại học Yale lựa chọn mạng xã hội Facebook

Bằng những bước cơ bản và hoàn toàn miễn phí, chúng ta có thể sở hữu một tài khoản trên mạng xã hội Facebook. Với những đặc điểm và tính năng nổi trội, cùng với sự phát triển liên tục và không ngừng của mình, Facebook đang có một chỗ đứng vững chắc nhất trên thị trường thế giới, đặc biệt là nhận được sự quan tâm đông đảo của tầng lớp trí thức trong xã hội. Với mục đích tiếp cận gần hơn với đông đảo sinh viên, quảng bá hình ảnh và chia sẻ thông tin hữu ích, thư viện đại học Yale đã tiến hành sử dụng Facebook. Tờ nhật báo điện tử Yale Daily News ra ngày 26/10/2008 với bài: “University Library joins


Trang Facebook của thư viện đại học Yale

Với nỗ lực xây dựng một hình ảnh thân thiện và gần gũi với sinh viên, nhà quản lý thư viện đại học Yale đã đưa ra giải pháp hữu ích là tham gia vào mạng xã hội Facebook. Facebook sẽ cập nhật những tin tức mới nhất của thư viện, những bức ảnh từ nhiều góc độ và những đường link dẫn tới những trang mạng liên quan như blog của đại học Yale hay website đại học Yale. Thêm vào đó là công cụ tra cứu trực tuyến JSTOR và máy tìm CiteMe. Đó chỉ là một trong những ứng dụng nhỏ mà Facebook mang lại. Dưới đây là những đánh giá

(1) Vào thời điểm đó, Barack Obama đang là ứng viên tổng thống Mỹ đại diện cho Đảng Dân chủ.

Ông đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sau đó ít ngày và trở thành tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2009-2013. Chủ quan về 5 lợi ích của Facebook trong việc quảng bá hình ảnh thư viện đại học Yale:

- Tính lan truyền

Nổi bật nhất trong những tính năng của Facebook là tính tự lan truyền. Khi một người sử dụng Facebook thì bạn bè và những người quen có thể được giới thiệu tự động về Facebook để cùng sử dụng. Kết quả là số người dùng sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Hay khi truy cập vào Facebook, người sử dụng đăng kí làm người hâm mộ của những người nổi tiếng, của những hãng kinh doanh lớn, những sản phẩm được ưa chuộng, hay của bất kì một thứ gì mà họ thấy thích thú, bạn bè trong Facebook của họ cũng được giới thiệu một cách tự động về những thứ đó và cũng có thể đăng kí làm người hâm mộ. Cụ thể hơn, khi đăng kí làm người hâm mộ thư viện đại học Yale, các bạn tôi cũng nhận được thông tin này và một số người bạn tôi cũng truy cập và trở thành người hâm mộ của thư viện đại học Yale. Vậy những nhà chiến lược đã khiến cho sản phẩm của mình được quảng bá rộng rãi và hướng tới được những đối tượng cần thiết.

Hơn nữa, nhà quản lý có thể cập nhật tất cả những hoạt động của mình tới người hâm mộ qua trang chủ News Feed và kéo người quan tâm và thích thú những sản phẩm của mình. Đó chính là công cụ kinh doanh hữu ích mà các nhà quản lý quan tâm. Nắm bắt được nhu cầu này, thư viện đại họcYale đã lôi kéo được rất nhiều người quan tâm và thích thú đến Facebook của mình. Hiện đang có khoảng 650 người hâm mộ thư viện đại học Yale, trong đó phần lớn là sinh viên và cựu sinh viên đại học Yale. Bên cạnh đó còn có những người hâm mộ là học sinh, sinh viên các trường đại học khác, những người quan tâm.. . Số lượng sinh viên của trường cũng truy cập vào Facebook thư viện đại học Yale mà không nằm trong số những người hâm mộ cũng chiếm một số lượng lớn.

Như vậy, thư viện đại học Yale đang thành công trong việc xây dựng hình ảnh của mình, ít nhất là đối với chính sinh viên trong trường. Đó cũng là mục đích chính khi Thư viện đại học Yale tham gia vào cộng đồng Facebook.

- Tính thân thiện

Giao diện của Facebook rất nền nã và dễ sử dụng, thích hợp với tầng lớp trí thức. Hơn nữa, người cán bộ thư viện có thể dễ dàng chỉnh sửa các thông tin hay cập nhật những thông tin mới dưới dạng những ghi chú (Notes) Hoặc sự kiện (Events) Với những thao tác khá đơn giản.

Một lợi ích nữa là thư viện đại học Yale đưa lên mạng những hình ảnh của thư viện khá đầy đủ dưới mọi góc độ. Thư viện đại học Yale giống như một toà lâu đài sách tráng lệ với những kệ sách trình bày đẹp và một khuôn viên rộng rãi mà bất cứ một thư viện nào cũng phải mong muốn. Những hình ảnh đẹp này sẽ khiến cho bạn đọc ngưỡng mộ và thích thú với Facebook thư viện Yale. Nhiều thư viện khác còn đưa lên những hình ảnh của các cán bộ thư viện, bộ phận công tác và thông tin liên lạc để bạn đọc có thể hỏi về các vấn đề khi cần

Lướt một vòng để tìm hiểu trên mạng, chúng ta có thể thấy rất nhiều những Facebook của thư viện và cán bộ thư viện trên thế giới còn đưa cả những đoạn hình ảnh (clip) Cán bộ thư viện hướng dẫn cách sử dụng thư viện, cách tìm kiếm nguồn tin hữu ích hay cách bảo quản khi sử dụng tài liệu. Đây cũng là một ý tưởng rất hay để trở nên thân thiện và gần gũi hơn với độc giả.

- Tính tương tác

Thư viện còn có rất nhiều hoạt động tổ chức và Facebook là công cụ thông báo hữu ích của thư viện. Khi đăng kí làm người hâm mộ thư viện trên Facebook, tôi cũng nhận được những thông báo mới về các hoạt động và tin tức dưới dạng giới thiệu (khác với thư rác (Spam) Và không tốn nhiều diện tích). Nếu ai quan tâm có thể nhấp vào đường link để đọc tin chi tiết. Những hoạt động thường là những ngày kỉ niệm ngày sinh của các vị học giả lớn, những thông tin về thời gian đóng-mở cửa bất thường, hay những cuốn sách hay mới phát hành… những thông tin cần thiết đối với sinh viên trường và bạn đọc bởi không phải tất cả các sinh viên của trường đều biết được những thông tin này, đặc biệt những sinh viên không thường xuyên lên thư viện.

Một ứng dụng rất hữu ích nữa là sự giao lưu giữa cán bộ thư viện với bạn đọc. Những câu hỏi được đăng thường xuyên trên trang Facebook của đại học Yale và thường xuyên nhận được những câu trả lời và giải đáp của cán bộ thư viện. Những câu hỏi của ban đọc tập trung xung quanh vấn đề tìm kiếm nguồn tài liệu, thậm chí là những lời bình hoặc ý kiến của bạn đọc về thư viện. Bên cạnh đó cũng có một phần lớn những bạn đọc từ các trường đại học khác đặt câu hỏi về một số vấn đề mà họ quan tâm. Bằng cách này, thư viện đại học Yale đã cung cấp một dịch vụ trả lời trực tuyến hữu ích cho bạn đọc

- Nền tảng lập trình

Một ứng dụng quan trọng mà được hầu hết sinh viên của trường quan tâm. Đó là máy tìm CiteMe và mục lục trực tuyến WorldCat - the OCLC Online Union Catalog. Do hạn chế của thời gian và tính chất của đề tài nghiên cứu khoa học cho sinh viên, tôi không có đủ điều kiện để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này. Nhưng có thể nói đây là một ứng dụng hữu ích nhất mà thư viện đại học Yale sử dụng trên Facebook. Bạn đọc có thể tìm kiếm những thông tin chi tiết (chỉ số ISBN, số lần xuất bản, chủ đề đề mục, nhà xuất bản..) Về tài liệu qua tựa đề, chủ đề, tác giả ở các định dạng khác nhau.

Máy tìm CiteMe

Thông tin nhận được sau khi đánh từ khoá

Những ứng dụng hữu ích này được sử dụng trên Facebook là bởi nền tảng lập trình “Facebook Flatform”  như đã đề cập ở phần trên. Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng được người sử dụng phát minh và tìm kiếm trên Facebook. Điều này lại đặt ra một ý tưởng đối với các chuyên gia trong lĩnh vực thông tin là tìm ra những ứng dụng mới để phục vụ cho công tác tra tìm tin và những dịch vụ trực tuyến hữu ích đối với người sử dụng thư viện qua Facebook.

- Tính liên kết

Ngoài ra, trang mạng Facebook còn cung cấp các đường dẫn (link) Đến các trang khác của thư viện như website thư viện tổng hợp và các thư viện thuộc chuyên ngành riêng của trường, blog của thư viện và cán bộ thư viện và các trang mạng liên quan. Từ trang Facebook này, bạn đọc có thể tìm được các đường dẫn đến các trang khác liên quan đến ĐH Yale.

Các đường dẫn liên kết

Những lợi ích mà Facebook mang lại quả là không nhỏ đối với chiến lược quảng bá hình ảnh của trung tâm thư viện ĐH Yale, Hoa Kỳ. Hơn nữa, hầu hết các sinh viên nước ngoài đều sử dụng máy tính xách tay và có điều kiện khi truy cập mạng trong trường, vậy nên việc đưa ra những tiện ích tìm kiếm và hỏi đáp như trên là thực sự hữu ích và thuận lợi với bạn đọc của thư viện, giúp giảm tối đa công sức và thời gian của bạn đọc, đưa đến những dịch vụ tốt và quảng bá thành công hình ảnh thư viện của mình.

Vậy các cơ quan thông tin thư viện ở Việt Nam đã và đang làm gì để biến những trang mạng xã hội miễn phí này trở thành một công cụ đắc lực trong việc quảng bá hình ảnh của mình?

3. Ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam

3.1. Tình hình marketing trực tuyến của thư viện tại Việt Nam hiện nay

Tại Việt Nam, một số hình thức marketing thư viện đã được các chuyên gia luận bàn và nghiên cứu rất nhiều. Ví dụ như đặt các băng quảng cáo (banner) Lên các trang web của các tạp chí uy tín như Vietnamnet, 24h. Com, Vnexpress, Tuổi trẻ, Thanh niên …Với cách quảng cáo kiểu này, các tờ báo Việt Nam sẽ tính phí bằng cách “lấy giá quảng cáo trung bình trên một số tờ báo in thông dụng trong nước chia cho diện tích trang báo quảng cáo để ra giá quảng cáo trung bình của một centimet vuông trên báo chí Việt Nam, từ đó nhân lên diện tích tương ứng của banner và logo để tính ra giá quảng cáo của chúng trên trang báo trực tuyến [14]. Xem xét cách tính phí này, chúng ta sẽ nhận thấy một số điểm rất bất cập như nhà quản lý sẽ không nắm bắt được mức độ hiệu quả của quảng cáo. Mặt khác, khi máy chủ bị quá tải hay sự cố nghẽn mạng thì nhà kinh doanh vẫn phải trả tiền quảng cáo như thường.

Hay như đưa thông tin các sản phẩm, dịch vụ của thư viện lên những trang tìm kiếm nổi tiếng như Google, Yahoo.. Với hình thức này, doanh nghiệp sẽ phải trả một khoản chi phí theo số lượt quảng cáo (pageviews) Trên mỗi

1.000 lần xem (CPM - Cost Per Thousand Impression) Và tính phí theo giá trị của mỗi click vào quảng cáo (CPC - Cost Per Click). Việc áp dụng các  loại hình này mang lại hiệu quả cao hơn cho khách hàng, vì họ chỉ phải trả tiền cho những lần quảng cáo đến được với người đọc hoặc được người đọc click vào banner dẫn đến trang web của họ…

Ngoài ra còn một số các cách thức quảng cáo trực tuyến khác như tham gia các diễn đàn, gửi thông tin qua mail và dịch vụ chat, hay viết bài, đưa tin trên các báo và tạp chí trực tuyến

Nhưng phần lớn những hình thức này được sử dụng rất hạn chế bởi chi phí sử dụng khá cao hay mất nhiều thời gian để cung cấp mà nhiều khi thông tin lại chưa tìm được chính xác đối tượng cần. Bởi vậy mà chúng ta hiếm thấy có thư viện ở Việt Nam sử dụng các hình thức này.

3.2. Khó khăn và thách thức

Về mặt khách quan, hiện nay, cư dân mạng Việt Nam cũng không còn xa lạ gì với các trang mạng xã hội, trong đó phổ biến và phát triển nhất là mạng blog Y! 360 trong khi thành viên của Facebook lại chiếm một con số khá khiêm tốn trong nước (theo thống kê cuối năm 2008, Việt Nam có 40.000 thành viên của Facebook). Cũng sẽ là ý kiến không tồi khi các thư viện quảng bá sản phẩm của mình trên blog Y! 360. Nhưng vấn đề không đơn giản khi mạng Y! 360 ngày càng bộc lộ rõ những hạn chế và thường bị lỗi gây bất tiện cho phần lớn người sử dụng.

Về mặt chủ quan, vấn đề đặt ra là không phải thư viện nào cũng tin tưởng hoàn toàn khi bỏ ra một phần kinh phí, thời gian và công sức để phát triển một chiến lược marketing trên các mạng xã hội ảo. Nguồn kinh phí hạn hẹp không cho phép người cán bộ mạo hiểm khi thực hiện những giao dịch và tiếp thị trên cộng đồng ảo bởi chưa có một minh chứng nào đảm bảo những chiến lược này sẽ thành công. Bên cạnh đó, năng lực người cán bộ vẫn là vấn đề phải quan tâm. Sự hạn chế về năng lực và trình độ của người cán bộ chính là vấn đề thách thức lớn của nhiều thư viện.

Nhưng bên cạnh những khó khăn và thách thức, lĩnh vực marketing ở Việt Nam qua mạng xã hội vẫn đem đến những cơ hội và triển vọng phát triển đối với ngành thông tin – thư viện ở Việt Nam.

3.3 Cơ hội và triển vọng

Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên bàn phím, chúng ta có thể dễ dàng tạo cho mình một tài khoản Facebook mà không tốn một chi phí nào cả. Và nếu như một thư viện muốn tạo lập một tài khoản Facebook hay bất kì một trang mạng xã hội nào cho chiến lược marketing của mình thì thư viện đó cũng bỏ ra không nhiều thời gian và chi phí để xây dựng, cập nhật và phát triển nó.

Số lượng truy cập vào các trang mạng xã hội chiếm phần lớn là học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và giới trí thức. Đây cũng là đối tượng mà các thư viện hướng tới. Với tính năng lan truyền mạnh mẽ và rộng rãi, các thư viện có quyền yên tâm về số lượng khách hàng và khả năng lựa chọn chính xác đối tượng mình cần.

Hơn nữa, với những tính năng được phân tích ở trên, marketing trên mạng xã hội sẽ là cách ưu việt để quảng bá hình ảnh và nâng cao các dịch vụ của thư viện. Sự ứng dụng nền tàng lập trình sẽ rút ngắn khoảng cách giữa cán bộ thư viện và người dùng tin, giảm bớt thời gian, công sức tìm kiếm và đưa đến những thông tin nhanh nhạy, chính xác tới bạn đọc.

KẾT LUẬN

Nhìn chung, mạng xã hội có rất nhiều ưu điểm mà chúng có thể được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả trong các thư viện để thúc đẩy marketing ngành thông tin thư viện. Facebook được tạo ra và duy trì bởi các cán bộ thư viện mà không đòi hỏi họ có trình độ công nghệ tin học cao. Chi phí cho việc xây dựng và duy trì một trang xã hội có thể tiết kiệm tối đa cho thư viện trong việc phổ biến thông tin đến bạn đọc. Hơn nữa, với sự gia tăng đều đặn thành viên sử dụng, các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook đang chứng tỏ mình là vũ khí mà các nhà đầu tư cần trong chiến lược marketing. Ngoài ra, nó cũng mang lại nhiều thuận tiện cho khách hàng để tiếp cận, truy cập và sử dụng nguồn lực thông tin của thư viện một cách nhanh chóng. Vì vậy giải pháp xây dựng và sử dụng những trang mạng xã hội để nâng cao hình ảnh thư viện là điều mà các cán bộ thư viện nên lưu tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét