Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

bài giảng tâm lý học nhân cách

BÀI GIẢNG TÂM LÝ HỌC NHÂN CÁCH



Mục tiêu học tập

1. Trình bày được các khái niệm về nhân cách.

2. Trình bày được các cấu trúc nhân cách

3.. Trình bày được các thuộc tính và phẩm chất của nhân cách, nhân cách người thầy thuốc.

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NHÂN CÁCH

1. Khái niệm về nhân cách

Nhân cách là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học (triết học, xã hội học, đạo đức học, thẩm mỹ học, văn hóa giáo dục học, tâm lý học.. .). Việc nghiên cứu nhân cách là vấn đề trọng tâm của tâm lý học

Các định nghĩa về nhân cách hiện nay trong tâm lý học có nhiều ý kiến khác nhau. Để thống nhất, cần nắm một số khái niệm có liên quan:

Con người: Là khái niệm rộng và chung nhất dùng để chỉ mọi cá thể từ trẻ sơ sinh đến người lớn, từ người có trí tuệ chậm phát triển đến những người thông minh lỗi lạc.

Con người là một thực thể sinh vật ở bậc cao nhất của sự tiến hóa vật chất ở động vật.

Cá nhân: Là cá thể đại diện cho loài người, bất kỳ người nào.

Cá tính: Là đặc điểm độc đáo của cá nhân, không lặp lại ở các cá nhân, Để phân biệt người này với người khác.

Chủ thể: Là cá nhân thực hiện một hoạt động có ý thức nhất định, có mục đích, có nhận thức cải tạo thế giới xung quanh trong quá trình hoạt động

Nhân cách:

Là nói về con người có tư cách là một thành viên của xã hội nhất định; Là chủ thể của các mối quan hệ, của giao tiếp và của hoạt động có ý thức; Là toàn bộ những đặc điểm, phẩm chất tâm lý của cá nhân qui định giá trị xã hội và hành vi xã hội của người đó.

2. Các mức độ và đặc điểm của nhân cách

2.1 Các mức độ của nhân cách

- Mức độ thấp nhất: Nhân cách được thể hiện dưới dạng cá tính, để phân biệt giữa người này với người khác.

- Mức cao hơn: Nhân cách được thể hiện trong các mối quan hệ giữa các nhân cách với nhau (nhân cách lệ thuộc, nhân cách kẻ cả, nhân cách bề trên.. .)

- Mức cao nhất: Nhân cách thể hiện như một chủ thể đang thực hiện một cách tích cực những hoạt động ảnh hưởng tới người khác, đến xã hội. Còn gọi là nhân cách siêu cá nhân

Nhân cách này như một tấm gương để người khác học tập noi theo và có những tác động chủ động, có dấu hiệu làm biến đổi thế giới xung quanh mình

2.2 Các đặc điểm cơ bản của nhân cách

2.2.1 Tính ổn định của nhân cách Phẩm chất nhân cách bao giờ cũng ổn định trong thời gian và không gian nhất định. Sự thay đổi phẩm chất trong giới hạn cho phép thì nhân cách còn tồn tại. Ngược lại khi có những thay đổi lớn, các phẩm chất nhân cách biến đổi vượt ngoài giới hạn dẫn đến sự thay đổi nhân cách có khi mất nhân cách.

2.2.2 Tính thống nhất trọn vẹn

Các hiện tượng tâm lý trong nhân cách có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại với nhau. Mặt khác mỗi nhân cách lại tao cho mình những mối quan hệ thống nhất với hoàn cảnh và môi trường xung quanh. Sự thống nhất trọn vẹn của nhân cách tạo thành một hệ thống cân bằng động - thống nhất trọn vẹn trong sự vận động và phát triển.

Khi hệ thống cân bằng động bị phá vỡ, nhân cách sẽ bị chia cắt, mất tính thống nhất trọn vẹn thì nhân cách bị tổn thương, không bình thường hoặc bị mất nhân cách.

2.2.3 Tính tích cực của nhân cách

Thể hiện khả năng chủ động tích cực của chủ thể nhân cách nhằm cải tạo thế giới và hoàn thiện bản thân.

2.2.4 Tính giao lưu

Giữa các nhân cách có sự tác động và ảnh hưởng qua lại. Thông qua giao tiếp và hoạt động chủ thể nhân cách dần dần trưởng thành và hoàn thiện mình, không ngừng phát triển.

3. Cấu trúc nhân cách

3.1. Các quan niệm về cấu trúc nhân cách

Nhân cách có cấu trúc phức tạp, nhiều nội dung linh hoạt. Có nhiều quan niệm khác nhau về cấu trúc nhân cách:

- Quan niệm nhân cách bao gồm 3 lĩnh vực cơ bản là:

+ Nhận thức

+ Rung cảm

+ Hành động (trong đó có cả hành động ý chí và những kỹ năng kỹ xảo, thói quen)

- Quan niệm nhân cách bao gồm 4 tiểu cấu trúc:

+ Xu hướng

+ Kinh nghiệm (kể cả tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, thói quen)

+ Đặc điểm các quá trình tâm lý (ý chí, cảm xúc hành động.. .)

+ Các thuộc tính sinh học của cá nhân (khí chất, giới.. .)

- Quan niệm nhân cách bao gồm các tầng khác nhau:

+ Tầng nổi: Gồm các hiện tượng tâm lý được ý thức và tự ý thức.

+ Tầng sâu: Gồm các hiện tượng tâm lý vô thức và tiềm thức

- Quan niệm nhân cách bao gồm 4 khối:

+ Xu hướng: Qui định tính lựa chọn của các thái độ và tính tích cực của con người. Bao gồm hệ thống nhu cầu, Hứng thú lý tưởng, Niềm tin và nhân sinh quan (thế giới quan)

+ Khả năng: Là năng lực tổng hợp các thuộc tính cá nhân. Bao gồm: Năng lực chung, năng lực chuyên biệt, năng lực cải tạo và sáng tạo, năng lực học tập và nghiên cứu..

+ Phong cách hành vi do tính cách và khí chất qui định. Tính cách là hệ thống thái độ của con người đối với hệ thống thế giới khách quan và đối với bản thân. Khí chất là những thuộc tính cá thể của tâm lý qui định động thái của hoạt động tâm lý của con người qui định sắc thái bên ngoài của đời sống tinh thần, là một mặt của bản chất con người.

+ Hệ thống điều khiển: Còn gọi là cái tôi của nhân cách, tự điều chỉnh, tự kiểm tra và điều chỉnh hành vi và hoạt động của cá nhân

Có thể đây là quan niệm bao quát đầy đủ và hợp lý hơn cả

3.2. Cấu trúc nhân cách đức và tài

Đức và tài là cách nói quen thuộc của Việt nam (phù hợp với quan niệm cấu trúc nhân cách 4 khối) Và được sắp xếp thành 2 mặt thống nhất đức và tài. Theo quan niệm này thì đức và tài là phẩm chất và năng lực dưới sự chỉ đạo của ý thức “bản ngã ” tức là cái tôi

Đức (phẩm chất) Tài (năng lực)

1. Phẩm chất xã hội (hay đạo đức chính trị): Bao gồm

-Thế giới quan, nhân sinh quan

-Lập trường

-Thái độ chính trị, thái độ lao động

-Lý tưởng niềm tin

1. Năng lực xã hội hóa

-Khả năng thích ứng

-Khả năng sáng tạo

-Khả năng cơ động, linh hoạt, mềm dẻo trong cuộc sống xã hội

2. Phẩm chất cá nhân (hay đạo đức tư cách):

-Các tính nết, thói quen.

-Ham muốn, hứng thú

2. Năng lực chủ thể hóa

-Khả năng biểu hiện tính độc đáo, biểu hiện cái riêng

-Sáng kiến

-Bản lĩnh

3. Phẩm chất ý chí

-Tính kỷ luật, tự chủ

-Tính mục đích, quả quyết

-Tính phê phán, hoài nghi khoa học

3. Năng lực hành động

-Khả năng hành động có mục đích, có điều khiển.

-Chủ động tích cực

4. Cung cách ứng xử

-Tác phong, tính khí

-Lễ tiết

4. Năng lực giao lưu:

-Khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ với người khác

3.3. Giá trị nhân cách

3.3.1. Giá trị nhân cách thể hiện ba khía cạnh

- Giá trị là sản phẩm vật chất và tinh thần do con người, nhóm người, cộng đồng dân tộc và loài người tạo ra.

- Giá trị là phẩm giá, phẩm chất của con người, nhóm người, cộng đồng dân tộc và loài người.

- Giá trị là biểu hiện mối quan hệ của con người dưới góc độ lợi ích, đánh giá đối với tồn tại chung quanh.

3.3.2. Hệ thống giá trị gồm bốn nhóm - Nhóm 1: Các giá trị cốt lõi: Hòa bình, tự do, việc làm, gia đình, sức khỏe, an ninh, tự trọng, công lý, tình nghĩa, sống có mục đích, niềm tin, tự lập, nghề nghiệp, học vấn.

- Nhóm 2: Các giá trị cơ bản: Sáng tạo, tình yêu, chân lý.

- Nhóm 3: Các giá trị có ý nghĩa: Cuộc sống giàu sang, cái đẹp.

- Nhóm 4: Các giá trị không đặc trưng: Địa vị xã hội.

3.3.3. Thang giá trị là một tổ hợp giá trị hay một hệ giá trị xếp theo thứ tự theo tầng bậc ưu tiên.

3.3.4. Thước đo giá trị là thang giá trị được vận dụng để đánh giá và tự đánh giá một hiện tượng xã hội, một cử chỉ, một cách ứng xử, hoặc được sử dụng để thuộc hiện một hoạt động, một hành động, hành vi.

3.3.5. Định hướng giá trị là cơ sở để hướng tới một sự lựa chọn, một cách đánh giá, một cách nhìn, một niềm tin, một mục đích tiến tới. Công việc cốt lõi của định hướng giá trị chính là giáo dục giá trị.

Nhân cách vừa là sản phẩm vừa là chủ thể của hoạt động. Thông qua một tổng hòa các quan hệ giáo dục, thang giá trị, hệ thống giá trị, thước đo giá trị và định hướng giá trị, con người trở thành nhân cách.

Nghiên cứu con người để tìm ra qui luật hình thành và phát triển NC con người và nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

4. Con đường hình thành nhân cách

Khi bắt đầu bước vào cuộc sống của mình, con người mới chỉ là một cá nhân chưa phải là một nhân cách. Trong quá trình sống nhân cách dần dần được hình thành, phát triển và hoàn thiện.

Các yếu tố góp phần hình thành nhân cách:

- Yếu tố cơ thể

Bao gồm yếu tố di truyền, bẩm sinh, đặc điểm sinh lý giải phẫu của cơ thể và nhất là hệ thần kinh, nội tiết. Những yếu tố sinh vật này chính là tiền đề, là cơ sở vật chất cho sự hình thành và phát triển nhân cách.

- Yếu tố hoàn cảnh sống

Yếu tố tự nhiên (đất đai thổ nhưỡng, sông núi khí trời.. .), yếu tố xã hội (dân tộc, tôn giáo, kinh tế, chính trị.. .). Các yếu tố này giữ vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển nhân cách. Trong số những yếu tố xã hội, cho rằng yếu tố giáo dục đóng vai trò chủ đạo; Yếu tố tập thể và yếu tố giao lưu đóng vai trò cơ bản quyết định sự hình thành và hoàn thiện nhân cách.

- Yếu tố tâm lý cá nhân

Ý thức hoạt động của cá nhân đóng vai trò trực tiếp quyết định hình thành và phát triển nhân cách.

Ngoài các yếu tố trên, hình thành nhân cách là một quá trình liên quan tới việc giáo dục, hoạt động, giao lưu và tập thể của chủ thể nhân cách.

4.1. Giáo dục nhân cách

Theo quan điểm tâm lý học duy vật thì giáo dục là một hoạt động chuyên môn của xã hội giữ vai trò chủ đạo trong việc hình thành nhân cách theo nhu cầu xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Giáo dục có tác động trực tiếp (trong trường học) Và gián tiếp (ngoài trường học)

4.2 Hoạt động và nhân cách

Hoạt động cá nhân là con đường trực tiếp hình thành và phát triển nhân cách. Hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, có ý thức, có tính xã hội và tính tập thể được thể hiện bằng những thao tác công cụ nhất định đòi hỏi con người phải có những phẩm chất tâm lý nhất định. Quá trình tham gia hoạt động của con người hình thành và phát triển những phẩm chất năng lực cần thiết theo đó nhân cách được hình thành, phát triển và hoàn thiện.

4.3 Giao lưu và nhân cách

Trong giao lưu chủ thể tác động qua lại với tổng thể tâm lý phức tạp sống động có điều kiện phát huy tính chủ động, bản sắc cá nhân hình thành những phẩm chất phù hợp với xã hội, với cộng đồng, hình thành ý thức đạo đức và nhân cách lành mạnh.

-Vai trò của giao lưu:

+ Chia sẻ nỗi buồn vui và gắn bó với con người với xã hội.

+ Không giao lưu con người trở nên cô độc.

+ Qua giao lưu con người tiếp thu kinh nghiệm của xã hội, tiếp thu lịch sử văn hóa, tinh thần để hoàn thiện mình và xã hội.

4.4 Tập thể và nhân cách

Trong quá trình sống con người phải giao lưu trực tiếp với người khác thông qua cá nhân tiếp xúc hoặc nhóm tiếp xúc. Nhóm là một tập thể người được thống nhất lại theo một mục đích sau. Bất kỳ ai cũng sinh sống hoặc hoạt động trong những nhóm nhất định (gia đình, cơ quan.. .). Có nhóm theo số lượng cá nhân có nhóm theo mức độ thân tình theo các nguyên tắc và chuẩn mực riêng. Hình thức phát triển cao nhất của nhóm là tập thể.

Tập thể thường xuyên thay đổi, phát triển và hoàn thiện.

5. Phẩm chất cơ bản của nhân cách thầy thuốc

Phẩm chất nhân cách người thầy thuốc là sự kết hợp hài hòa các phẩm chất đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, phẩm chất tâm lý cá nhân.

5.1 Các phẩm chất đạo đức

Bao gồm các phẩm chất có liên quan đến nghề nghiệp, một nghề lấy hạnh phúc con người lên trên, hết lòng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ tính mạng bệnh nhân. Vì vậy thầy thuốc cần có:

- Lòng trắc ẩn, giản dị, khiêm tốn, ngay thẳng, chính trực, tế nhị, yêu lao động, biết tôn trọng mọi người.

- Đặt lợi ích người bệnh lên trên.

- Yêu nước yêu chủ nghĩa xã hội, ngoài các chuẩn mực đạo đức cần có trong giai đoạn hiện nay thầy thuốc cần có tinh thần phấn đấu cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh.

5.2. Các phẩm chất nghề nghiệp

- Yêu nghề say mê lao động nghề nghiệp, có kiến thức sâu rộng. - Làm chủ kỹ năng kỹ xảo, nâng cao không ngừng trình độ và năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, năng lực tổ chức.

- Có năng lực giao tiếp, xử lý tốt các mối quan hệ trong lĩnh vực nghề nghiệp (thầy thuốc

-Bệnh nhân, thầy thuốc-đồng nghiệp.. .).

- Có tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, tôn trọng người bệnh.

- Thực sự cầu thị và giữ gìn bí mật nghề nghiệp.

5.3 Một số phẩm chất tâm lý khác

- Có tinh thần trách nhiệm (trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm với bệnh nhân và nhân dân nói chung, trách nhiệm với cấp ủy chính quyền và với bản thân), tính trung thực, lòng dũng cảm, tính nguyên tắc, tính khiêm tốn.

- Ham học hỏi nghiên cứu và cầu tiến.

- Phong thái bên ngoài: Niềm nở, khiêm tốn, bình tĩnh; Ăn mặc đàng hoàng, sạch sẽ đứng đắn, có sức khỏe tâm hồn gây cảm tình và sự kính trọng đối với bệnh nhân.

6. Thuộc tính tâm lý của nhân cách

6.1. Năng lực

6.1.1. Khái niệm

Năng lực là tổng hợp những thuộc tính độc đáo riêng biệt về thể chất và tâm lý cá nhân,đáp ứng được những yêu cầu của một hoạt động nhất định, nhằm đảm bảo cho hoạt động ấy đạt kết quả cao.

Năng lực cá nhân là tổng thể thuộc tính tâm lý tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân hoạt động tốt trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

Năng lực bao gồm các khái niệm về tư chất, năng khiếu, tài năng, thiên tài

6.1.2 Các mức độ của năng lực

- Mức năng lực thông thường: Biểu thị sự hoàn thành kết quả một hoạt động.

- Mức tài năng: Biểu thị một năng lực cao hơn, hoàn thành sáng tạo một hoạt động.

- Mức thiên tài: Biểu thị mức năng lực cao nhất, hoàn chỉnh nhất, Đây là năng lực kiệt xuất của một vĩ nhân.

Năng khiếu: Là dấu hiệu phát triển sớm về một tài năng khi con người đó chưa tiếp xúc một cách có hệ thống, Có tổ chức với những lĩnh vực hoạt động tương ứng.

Con đường từ năng khiếu tới tài năng rất quanh co, phức tạp, lâu dài thậm chí có trường hợp năng khiếu bị mai một. Bồi dưỡng nhân tài bắt đầu từ phát hiện và phát triển năng khiếu.

6.1.3. Phân loại năng lực

- Năng lực chung và năng lực chuyên môn:

+ Năng lực chung: Là thuộc tính trí tuệ của cá nhân, đảm bảo cho cá nhân nắm được tri thức và thực hiện những hoạt động chung một cách dễ dàng, có hiệu quả.

+ Năng lực chuyên môn: Bảo đảm cho cá nhân đạt được kết quả cao trong nhận thức và sáng tạo về các lĩnh vực hoạt động chuyên môn.

Trong thực tế 2 loại năng lực trên đây có quan hệ hữu cơ và tác động lẫn nhau.

Mỗi lĩnh vực hoạt động cụ thể đều cần cả hai loại năng lực này. - Năng lực lý luận và năng lực hoạt động thực tiễn:

- Năng lực học tập và năng lực sáng tạo:

Năng lực học tập: Thể hiện khả năng nắm vững, nhanh chóng và có kết quả những tri thức, kỹ năng kỹ xảo trong học tập.

Năng lực sáng tạo: Thể hiện khả năng đem lại giá trị mới, sản phẩm mới cho nhân loại

6.1.4. Điều kiện tự nhiên và xã hội của năng lực

- Tư chất là điều kiện tự nhiên của năng lực: Là những đặc điểm về mặt giải phẫu, sinh lý và các chức năng của cơ thể bao gồm:

Di truyền và các yếu tố tự tạo của con người.

Tư chất là cơ sở tự nhiên cần thiết để hình thành và phát triển năng lực và ảnh hưởng đến sự khác biệt năng lực giữa người này và người khác

- Điều kiện xã hội của năng lực: Năng lực chịu sự qui định của những điều kiện lịch sử - xã hội nhất định.

6.2. Khí chất

6.2.1 Khái niệm

Khí chất là tổng thể các đặc tính bẩm sinh bền vững thể hiện rõ diễn biến phức tạp của toàn bộ hoạt động tâm lý cá nhân.

Đặc điểm của khí chất là vững chắc, ổn định và gắn liền với các kiểu thần kinh của cá nhân liên quan mật thiết tới tính cách và năng lực

Có 4 loại thần kinh:

- Kiểu thần kinh mạnh, Cân bằng, linh hoạt:

Loại này được thể hiện quá trình hưng phấn cân bằng với quá trình ức chế nhanh nhẹn tương ứng với loại khí chất linh hoạt.

- Kiểu thần kinh mạnh, cân bằng, chậm:

Biểu hiện quá trình hưng phấn cân bằng với ức chế, chậm tương ứng với khí chất điềm tĩnh

- Kiểu thần kinh mạnh không cân bằng:

Biểu hiện bằng quá trình hưng phấn mạnh hơn quá trình ức chế, chậm tương ứng với khí chất sôi nổi.

- Kiểu thần kinh yếu:

Biểu hiện quá trình ức chế mạnh hơn hưng phấn tương ứng với khí chất ưu tư

6.2.2. Đặc điểm các loại khí chất

- Khí chất linh hoạt (hăng hái, hoạt bát):

Tương ứng với kiểu thần kinh mạnh, cân bằng, nhanh (kiểu đa huyết - sanguin)

Những người có loại khí chất này thường có tính linh hoạt cao, thích ứng nhanh chóng dễ dàng với mọi biến đổi của ngoại cảnh; Hoạt động hăng hái, xông xáo tiếp thu nhanh và đạt hiệu quả cao.

Những người thuộc khí chất này là người lạc quan yêu đời, vui tình, cởi mở, quan hệ rộng rãi với mọi người. Song họ có nhược điểm là hấp tấp, vội vàng, thiếu kiên trì, tình cảm thiếu sâu sắc thiếu bền vững, hay thay đổi. Những người thuộc loại khí chất này thường thích hợp với những công việc đòi hỏi trương lực, cường độ hoạt động mạnh, phải xử trí linh hoạt. Song trong hoạt động cần chú ý rèn luyện tính kiên trì, chu đáo, chịu khó và bình tĩnh

- Khí chất điềm tĩnh (bình thản, trầm tĩnh)

Tương ứng với kiểu thần kinh mạnh, cân bằng, yếu (Kiểu bạch huyết Flematique).

Người thuộc loại này là người tận tình trong công việc, tâm lý bền vững, sâu sắc, bình tĩnh, kiên trì, tập trung, cẩn thận, ít bị ảnh hưởng bên ngoài.

Có năng lực kiềm chế, có tính tự chủ cao, tác phong điềm đạm, đĩnh đạc, giữ được quy tắc sống và giao tiếp.

Nhược điểm: Thiếu linh hoạt, chậm thích nghi với môi trường, di chuyển chú ý kém, không tháo vát, ít cởi mở.

- Khí chất sôi nổi (nóng nảy)

Tương ứng với kiểu TK mạnh, không cân bằng (kiểu mật vàng Colerique.)

Người thuộc loại này có sinh lực dồi dào, có biểu hiện tâm lý mãnh liệt: Sôi nổi, hăng hái, mạnh mẽ, dứt khoát, có ý chí xông xáo táo bạo.. .

Nhược điểm: Thiếu kiên trì, gặp khó khăn vấp váp dễ nóng nảy, dễ có phản ứng gay gắt.

- Khí chất ưu tư (Khí chất yếu)

Tương ứng với kiểu thần kinh yếu, (kiểu Mật đen- Melancolique).

Người thuộc loại này thường biểu hiện ủy mị, yếu đuối, hoạt động tâm lý bị kiềm chế, phản ứng chậm chạp. Tình cảm thường buồn rầu lo lắng, hiến hòa, kín đáo, mềm mỏng, sâu sắc, hay lo xa.

6.2.3 Bản chất xã hội của khí chất

Khí chất của cá nhân không phải chỉ do các thuộc tính bẩm sinh của hệ thống thần kinh quyết định mà thường xuyên bị tác động bởi môi trường sống. Những dấu vết của xã hội đặc biệt là các chuẩn mực vế các kiểu hành vi, cử chỉ, cách ăn nói của cá nhân.. .. Những biến cố xảy ra trong đời sống cá nhân, tập thể, cộng đồng.. . Đều được ghi vào khí chất cá nhân một cách rõ ràng, sâu sắc. Vì vậy khí chất cá nhân thể hiện rõ đặc điểm của xã hội, của dân tộc, của địa phương, của cộng đồng nơi cá nhân đó sinh sống.

Ngoài ra, cá nhân là một chủ thể có ý thức, nên họ có thể dựa vào kinh nghiệm của xã hội để rèn luyện, học tập, điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với xã hội vì tiến bộ của xã hội.

6.2.4 Ý nghĩa của các kiểu khí chất

Kiểu khí chất phụ thuộc chủ yếu vào sự di truyền nhưng các tính chất riêng lẻ của nó có thể thay đổi dưới tác động của xã hội và của sự giáo dục, rèn luyện.

Không có kiểu khí chất tốt, kiểu khí chất xấu, chúng bổ sung cho nhau và còn phụ thuộc vào tính cách của cá nhân.

Ít có một con người chỉ có một khí chất thuần nhất, thông thường là kiểu khí chất hỗn hợp có các tỷ lệ khác nhau.

Trong tiếp xúc với bệnh nhân, thầy thuốc cần nắm được các đặc tính cơ bản của các kiểu khí chất để chọn cách ứng xử tốt nhất giúp việc chữa trị thuận lợi.

6.3. Tính cách 6.3.1 Khái niệm

- Tính cách và nét tính cách

+ Nét tính cách: Là những thái độ riêng và những hành vi cử chỉ, cách nói năng tương ứng với thái độ đó, tương đối ổn định, bền vững và đặc trưng cho mỗi cá nhân ở nhiều khía cạnh khác nhau (ví dụ: Khiêm tốn, kiêu ngạo.. .)

+ Tính cách: Là một loại thuộc tính tâm lý phức hợp, đặc trưng, điển hình cho mỗi cá nhân, phản ảnh hệ thống thái độ với hiện thực khách quan và thể hiện trong một hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng tương ứng của cá nhân đó.

Tính cách khác với khí chất. Khí chất là thuộc tính tâm lý bẩm sinh còn tính cách là hình thành từ kinh nghiệm sống vừa có giáo dục.

Trong cấu trúc hoàn chỉnh của tính cách, nét điển hình của thái độ, hành vi đạo đức giữ vai trò chủ đạo, Nét điển hình của hệ thống tình cảm đóng vai trò quan trọng và những đặc trưng về ý chí, hành động ý chí của cá nhân đóng vai trò nòng cốt.

- Đặc điểm của tính cách

+ Tính ổn định và bền vững: Không phải tất cả mọi thái độ, hành vi cử chỉ cách ăn nói của cá nhân đều trở thành những nét tính cách. Chỉ có những thái độ mang tính điển hình, trở thành thuộc tính tâm lý và hành vi, cử chỉ, cách nói năng tương ứng, chúng được lập đi lập lại và trở thành thói quen, ổn định mới trở thành nét tính cách. Nét tính cách là những thuộc tính tâm lý tương đối ổn định và bền vững.

+ Tính phức tạp và thống nhất: Tính cách do nhiều thuộc tính tâm lý cá nhân kết hợp lại, biểu hiện một hệ thống thái độ và thể hiện trong hành vi, cử chỉ, cách nói năng của cá nhân. Sự kết hợp này không phải là do sự cộng lại đơn thuần mà là sự kết hợp những thuộc tính riêng biệt thành tổng thể sinh động, thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau.

+ Tính riêng biệt và tính độc đáo: Hoàn cảnh sống và hoạt động của cá nhân không hoàn toàn giống nhau đã làm cho tính cách của mỗi người mang tính chủ thể độc đáo riêng biệt với nhau. Trong một không gian thời gian cụ thể, tính cách của mọi cá nhân hoàn toàn khác nhau, không ai giống ai. Tính cách con người phong phú và đa dạng.

Tính cách cá nhân có sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, giữa cái điển hình và cái phổ thông. Có những nét tính cách cơ bản chung cho một nhóm người, một dân tộc, phản ánh những điều kiện sống chung của họ. Song trong cái chung đó, mỗi người lại có tính cách riêng biệt hoặc những cách biểu hiện tính cách riêng của mình.

- Bản chất xã hội của tính cách

Con người là một thực tế của xã hội, gắn bó với điều kiện xã hội lịch sử nhất định vì vậy tính cách con người là sản phẩm của xã hội lịch sử. Tồn tại xã hội quyết định bản chất và nội dung tính cách chủ yếu của con người.

6.3.2 Cấu trúc của tính cách

- Hệ thống thái độ và hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng

+ Hệ thống thái độ

Thái độ cá nhân phản ảnh mối quan hệ của họ với hiện thực khách quan. Hệ thống thái độ tương đối ổn định, bền vững, do tình cảm, nhận thức, xu hướng, ý chí của cá nhân tạo thành. Hệ thống thái độ bao gồm:

* Thái độ đối với xã hội, cộng đồng:

Là thái độ của cá nhân đối với các vấn đề xã hội (quan hệ giữa con người với con người, con người với cộng đồng, vê quan hệ chính trị, kinh tế xã hội.. .)

* Thái độ đối với lao động:

Là thái độ của con người đối với các quan hệ trong lao động (các loại lao động, phương tiện, công cụ.. . Của lao động).

* Thái độ đối với mọi người.

* Thái độ đối với bản thân.

+ Hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng của cá nhân:

Là sự thể hiện bên ngoài của thái độ cũng như toàn bộ tính cách cá nhân. Hệ thống này biểu hiện muôn màu muôn vẻ nhưng gắn bó chặt chẽ với nhau, cùng tương ứng với hệ thống thái độ của cá nhân.

Có thể nói rằng: Hệ thống thái độ là nội dung, hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng là hình thức biểu hiện của tính cách cá nhân. Hai mặt này thống nhất, không tách rời nhau và quan hệ biện chứng với nhau.

- Hệ thống các thuộc tính tâm lý trong cấu trúc tính cách:

+ Các thuộc tính xu hướng:

Thuộc tính quyết định phương hướng, động cơ của hệ thống thái độ và hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng của cá nhân. Trong đó nhu cầu và hứng thú quyết định sự chọn lọc của hệ thống và liên quan tới nhân sinh quan, niềm tin lý tưởng, đạo đức của tính cách.

+ Tình cảm: Thể hiện mặt xúc cảm của cá nhân trong tính cách và góp phần thể hiện cường độ của hệ thống

+ Ý chí: Là thuộc tính trụ cột của tính cách tốt,đã được hình thành và thể hiện sức bền, độ sâu sắc và cường độ cao của tính cách

+ Khí chất: Là mặt động thái thể hiện tính độc đáo của tính cách. Giữa tính cách và khí chất có mối quan hệ biện chứng với nhau.

+ Kỹ xảo và thói quen: Là những hành vi, cử chỉ, cách nói năng được lập đi lập lại trở thành hành động tự động hóa - thành những kỹ xảo, thói quen trong tính cách của cá nhân

.

6.3.3 Những nét tính cách cơ bản của thầy thuốc XHCN

- Những nét tính cách cơ bản của con người XHCN

Là sự kết hợp hài hòa, biện chứng giữa hệ thống thái độ và hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng của cá nhân trong các vấn đề như:

+ Kiên định mục tiêu, định hướng XHCN

+ Kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu diễn biến hòa bình -yêu nước, yêu CNXH, có tinh thần quốc tế vô sản và quan tâm thích đáng những vấn đề toàn cầu, dân tộc, quốc gia.

+ Yêu lao động, cần cù sáng tạo trong lao động.

+ Lòng nhân đạo, tinh thần hợp tác, đoàn kết tương trợ. Ü

+ Đối với bản thân: Khiêm tốn, giản dị, tự trọng, trung thực, nguyên tắc, dũng cảm.. . Có tinh thần phê và tự phê, không ngừng học tập vươn lên, có cơ thể khỏe mạnh.. . - Những nét tính cách cơ bản của người thầy thuốc XHCN:

Ngoài những nét cơ bản của con người XHCN nói chung. Những nét tính cách cơ bản của người thầy thuốc XHCN nhấn mạnh hơn các vấn đề có liên quan tới phẩm chất nghề nghiệp: Vì hạnh phúc của người bệnh, hết lòng cứu chữa bệnh nhân xem đó là hạnh phúc của mình:

+ Phải có lòng nhân hậu và khiêm tốn vì tính mạng người bệnh.

+ Tự chủ: Gặp khó khăn nguy hiểm không hoang mang dao động,

+ Bình tĩnh, có khả năng chịu đựng những căng thẳng lớn tìm cách cứu chữa với tinh thần còn nước còn tát.

+ Kiên nhẫn: Không lùi bước trước khó khăn, thất bại quyết tâm giành lại sự sống cho người bệnh.. .

7. Phẩm chất tâm lý của nhân cách

7.1. Cảm xúc của tình cảm

7.1.1 Khái niệm

- Tình cảm là những thái độ cảm xúc ổn định đối với những sự vạt hiện tượng trong thế giới khách quan của con người, phản ảnh ý nghĩa của chúng trong mối liên hệ với nhu cầu và động cơ của họ.

- Cảm xúc và tình cảm là biểu thị thái độ con người trước sự vật hiện tượng đã được nhận thức chúng có liên quan tới nhu cầu vật chất và tinh thần con người

Cảm xúc tình cảm phản ánh mối liên hệ giữa sự vật hiện tượng với con người thông qua nhu cầu động cơ, mối liên hệ đó được biểu hiện bằng thái độ (cảm xúc, tình cảm).

Phản ánh xúc cảm và phản ánh nhận thức có điểm tương đồng và khác biệt:

Điểm giống nhau:

Nhận thức và xúc cảm đều phản ánh hiện thực khách quan, đều mang tính chủ thể và đều có bản chất xã hội - lịch sử.

Điểm khác nhau

- Xét về đối tượng phản ảnh:

Quá trình nhận thức phản ảnh bản thân sự vật hiện tượng (đối tượng)

Quá trình cảm xúc tình cảm phản ảnh mối liên hệ của con người với đối tượng, nhu cầu động cơ (có được thỏa mãn không)

- Xét về phạm vi phản ảnh:

Nhận thức: Mọi đối tượng tác động vào giác quan đều được nhận thức.

Cảm xúc tình cảm: Những đối tượng nào có nhu cầu động cơ mới có cảm xúc, tình cảm.

- Xét về phương thức phản ảnh:

Nhận thức là sự phản ảnh hiện thực khách quan dưới hình thức hình ảnh (cảm giác, tri giác), biểu tượng (trí nhớ, tưởng tượng), khái niệm (tư duy).

Cảm xúc tình cảm phản ảnh hiện thực khách quan dưới hình thức rung động

- Xét về mức độ phản ảnh:

Tính chủ thể trong cảm xúc tình cảm cao hơn, đậm hơn so với nhận thức. - Xét về quá trình hình thành:

Quá trình cảm xúc tình cảm lâu dài hơn, phức tạp hơn và diễn ra theo những qui luật khác với quá trình hình thành nhận thức.

7.1.2. Phân biệt cảm xúc và tình cảm

Nhiều ý kiến cho rằng cảm xúc đồng nhất với tình cảm vì có sự giống nhau tuy vậy vẫn có sự khác nhau trên 3 mặt lớn đó là tính ổn định, tính xã hội, cơ chế sinh lý tâm thần:

CẢM XÚC TÌNH CẢM

- Có cả người và động vật - Chỉ có ở người

- Là một quá trình hoặc trạng thái tâm lý -Là một thuộc tính tâm lý.

-Có tính nhất thời, phụ thuộc vào tình huống đa dạng

- Có tính ổn định, xác định.

-Luôn luôn ở trạng thái hiện thực Thường ở trạng thái tiềm tàng.

- Xuất hiện trước. - Xuất hiện sau.

-Thực hiện chức năng sinh vật (giúp cơ thể định hướng và thích nghi với môi trường bên ngoài)

- Thực hiện chức năng xã hội với tư cách một nhân cách

-Gắn liền phản xạ không điều kiện, với bản năng. -Gắn liền phản xạ có điều kiện và với động hình (định hình động lực) Thuộc hệ thống tín hiệu 2

7.1.3 Các dạng thể hiện của tình cảm

Tình cảm được thể hiện qua cảm xúc. Xúc cảm là sự thể nghiệm trực tiếp của một tình cảm nào đó tùy theo cường độ, tính ổn định và tính ý thức. Có các dạng cảm xúc:

- Xúc động:

Là những cảm xúc có cường độ mạnh nhất, xẩy ra trong một thời gian tương đối ngắn, thường con người không làm chủ được bản thân (không ý thức được hậu quả của hành động). Ví dụ: Cơn giận, cơn ghen..

- Tâm trạng: Là những cảm xúc có cường độ vừa phải hoặc tương đối yếu, xẩy ra trong một thời gian tương đối dài, con người không có ý thức về nguyên nhân gây ra nó. Vì thế tâm trạng thường bao trùm lên toàn bộ các rung động thần kinh và ảnh hưởng rõ rệt toàn bộ hoạt động của con người trong một thời gian khá dài và nguyên nhân rất khác nhau (vị trí, địa vị xã hội; Điều kiện kinh tế.. . Của con người).

7.1.4 Biểu hiện của tình cảm

- Say mê

Là dạng đặc biệt của tình cảm có cường độ rất mạnh, thời gian dài, có ý thức rõ ràng.

Có hai loại say mê: Say mê tích cực và say mê tiêu cực (đam mê).

- Tình cảm luôn có đối tượng rõ ràng + Tình cảm đạo đức

Nhằm thỏa mãn nhu cầu đạo đức, biểu hiện thái độ của con người với con người, con người với xã hội.

+ Tình cảm trí tuệ

Tình cảm nẩy sinh trong quá trình hoạt động trí óc, liên quan đến quá trình nhận thức, sáng tạo. Biểu hiện thái độ con người đối với ý nghĩa, tư tưởng của hoạt động trí tuệ.

+ Tình cảm thẩm mỹ

Là những tình cảm liên quan tới nhu cầu thẩm mỹ, Biểu hiện thái độ của con người về cái đẹp và đánh giá con người về cái đẹp.

+ Tình cảm hoạt động: Thể hiện thái độ của con người đối với hoạt động xã hội nhất định có liên quan tới sự thỏa mãn nhu cầu thực hiện hoạt động đó.

Các loại tình cảm trên đây liên quan mật thiết với nhau, tác động qua lại với nhau và chúng không tồn tại một cách riêng lẻ.

7.1.5. Những nét đặc trưng của đời sống tình cảm

- Tính nhận thức

Tình cảm phát triển trên cơ sở cảm xúc, tác động qua với lý trí trong quá trình hình thành các quan hệ xã hội. Nguyên nhân gây nên tình cảm thường được chủ thể nhận thức rõ ràng.

- Nhận thức là yếu tố nẩy sinh tình cảm làm cho tình cảm có tính đối tượng một cách đầy đủ chính xác.

- Tính xã hội

Các tình cảm được hình thành trong quá trình con người lao động cải tạo tự nhiên và xã hội để xác định nhân cách của mình. Tính xã hội của tình cảm giúp cho con người điều chỉnh nhân cách phù hợp với yêu cầu của xã hội.

- Tính khái quát

Tình cảm có tính khái quát nhất là tình cảm có thể giới quan. Tính khái quát của tình cảm thể hiện:

+ Tình cảm con người đối với một loài (phạm trù loài).

+ Tình cảm của con người đối với các đối tượng (sự vật hiện tượng) Chứ không phải chỉ đối với từng sự vật hiện tượng.

-Tính ổn định

+ Tình cảm là những thái độ ổn định đối với bản thân và sự vật.

+ Tính ổn định giúp con người biết được nhân cách.

- Tính chân thực

Tình cảm phản ảnh chính xác nội tâm có thực của cá nhân con người (cho dù cố ý che giấu, ngụy trang bằng lời nói, hơi thở nhịp tim.. .)

- Tính đối cực: Tính 2 mặt.

Tình cảm luôn mang tính đối cực (phân cực). - Tính đối cực của tình cảm như tình cảm tích cực- tiêu cực, dương tính, âm tính.. . Là do nhu cầu của con người có được thỏa mãn hay không hoặc do con người có đạt kết quả hay không. 7.1.6. Qui luật của tình cảm

- Quy luật lây lan

Cảm xúc tình cảm của con người có thể “lây lan “từ người này sang người khác. Ví dụ: Hiện tượng hoảng loạn, không khí học tập, lao động chiến đấu.. . Lây truyền từ người này sang người khác.

Quy luật này là cơ sở của hoạt động tập thể, giáo dục tập thể.. .

- Qui luật thích ứng

Cảm xúc tình cảm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần một cách không thay đổi cuối cùng sẽ bị suy yếu, lắng xuống gọi là hiện tượng “chai dạn” của tình cảm. Ví dụ: Hiện tượng gần thường xa thương.

- Quy luật tương phản (cảm ứng):

Là sự tác động qua lại giữa các cảm xúc tình cảm tích cực và tiêu cực, âm tính và dương tính

Ví dụ: “Giận càng giận mà thương càng thương “

Bác sĩ khám một loạt người có sức khỏe đều kém, khí xuất hiện một người khỏe mạnh bác sĩ cảm thấy hài lòng (tuy rằng người này chưa hẳn đã khỏe thực sự).

- Qui luật di chuyển

Cảm xúc tình cảm có thể di chuyển từ người này sang người khác, từ đối tượng này sang đối tượng khác.

Ví dụ: “Yêu ai yêu cả đường đi Ghét ai ghét cả tông ty họ hàng “

Hoặc “Giận cá chém thớt “

- Qui luật pha trộn

Cảm xúc tình cảm con người có sự kết hợp âm tính với dương tính và sắc thái âm tính là nguồn gốc, điều kiện dễ nảy sinh sắc thái dương tính. Tính pha trộn này cho phép 2 Cảm xúc tình cảm đối lập nhau có thể cùng tồn tại chung trong một con người, chúng không loại trừ nhau mà qui định lẫn nhau.

Ví dụ: Sự ghen tuông trong cuộc sống vợ chồng, sự lo âu và tự hào khi chuẩn bị một công việc nguy hiểm.

- Qui luật về hình thành tình cảm từ những cảm xúc

Những cảm xúc đồng loại được động hình hóa, khái quát hóa thành tình cảm.

Ví dụ: Tình yêu nước được hình thành do sự động hình hóa, Khái quát hóa những rung cảm xúc động cùng loại như: Yêu con sông, yêu con đò, yêu cánh đồng quê hương..

Cảm xúc càng phong phú, đa dạng thì tình cảm được xây dựng nên càng sâu sắc và rộng lớn. Và ngược lại tình cảm sẽ làm cho cảm xúc đồng loại thêm hài hòa, bền vững.

7.1.7. Sai sót trong cảm xúc tình cảm

- Giảm và mất cảm xúc

Là trường hợp do ngưỡng hưng phấn cảm xúc cao, nên những kích thích có cường độ bình thường hoặc yếu chỉ gây ra những cảm xúc yếu hoặc thậm chí không gây ra đáp ứng cảm xúc. Những bệnh nhân này thường ở trong tình trạng giảm khí sắc (buồn rầu, ủ rũ), thờ ơ với xung quanh và thậm chí bị lụi tàn cảm xúc.

- Tăng cảm xúc

Do ngưỡng hưng phấn cảm xúc thấp nên những kích thích có cường độ nhẹ cũng gây ra phản ứng cảm xúc mạnh mẽ.

Những bệnh nhân này thường có biểu hiện như: Hay khóc hay cười, chỉ cần một tác động nhẹ cũng làm cho họ vui vẻ hoặc đau khổ buồn phiền.

- Rối loạn cảm xúc

Dấu hiệu bệnh lý này được thể hiện như:

+ Cảm xúc thiên lệch về một chiều hưng cảm hoặc trầm cảm. Cũng có khi đối với một hiện tượng, bệnh nhân vui buồn lẫn lộn.

+ Cảm xúc tình cảm không bình thường. Độ nhậy cảm xúc tăng cao một cách bệnh lý, không ổn định, có những cơn xúc động quá mức như hốt hoảng, sợ hãi hoặc hững hờ, vô cảm.

+ Bệnh nhân có những thiếu sót trong tình cảm xã hội, có những tình cảm phản xã hội, hoặc rối loạn về tình cảm thẩm mỹ, tình cảm đạo đức, trí tuệ.. . Cũng có bệnh nhân bị ám ảnh sợ (sợ bệnh tật, sợ vật nhọn, sợ phụ nữ!)

7.2. Ý chí

7.2.1 Khái niệm

Ý chí là phẩm chất của nhân cách, ý chí thể hiện năng lực thực hiện những hành động có mục đích đòi hỏi phải có sự nỗ lực khắc phục khó khăn (ý chí là năng lực định hướng hành động)

Ý chí là nơi hội tụ của nhận thức tình cảm trong hoạt động của con người, là mặt năng động của ý thức, thể hiện năng lực thực hiện những hành động có mục đích, có sự nỗ lực khắc phục khó khăn nhất định.

7.2.2 Phẩm chất ý chí

- Tính mục đích

Là phẩm chất đặc biệt quan trọng của ý chí, cho phép con người điều chỉnh hành vi hướng vào mục đích tự giác

Tính mục đích của ý chí phụ thuộc vào thế giới quan, vào nội dung đạo đức và tính giai cấp của nhân cách mang ý chí.

Nhờ có tính mục đích cao mà con người trở nên kiên định, tập trung được trí tuệ và tài năng để suy nghĩ và lao động sáng tạo.

- Tính độc lập

Là phẩm chất ý chí cho phép con người quyết định và thực hiện hành động theo những quan điểm và niềm tin của mình.

-Tính quyết đoán

Đó là khả năng đưa ra những quyết định kịp thời, dứt khoát trên cơ sở tính toán cân nhắc kỹ càng, không dao động chần chừ.

Người quyết đoán là người tin tưởng vào quyết định của mình, hành động có suy nghĩ, dũng cảm nhạy bén, đúng lúc, không hoài nghi. -Tính bền bỉ

Thể hiện kỹ năng đạt được mục đích đề ra cho dù con đường đi tới đó có lâu dài gian khổ. Người có ý chí là người có khả năng khắc phục trở ngại luôn duy trì sự nỗ lực và những khó khăn chỉ làm cho họ tăng thêm lòng mong muốn tiếp tục thực hiện công việc.

Tính kiên trì (bền bỉ) Khác với lì lợm, ương ngạnh, ương ngạnh lì lợm là trường hợp không có khả năng từ bỏ các quyết định sai lầm của mình.

- Tính tự chủ

Là khả năng làm chủ bản thân duy trì sự kiểm soát đầy đủ hành vi của mình chiến thắng được những thúc đẩy không mong đợi. Người có ý chí là người biết phê phán mình, biết tránh những hành động thiếu suy nghĩ. Phẩm chất này của ý chí gắn liền với sự điều chỉnh cảm xúc của bản thân.

- Tính kiên cường

Là phẩm chất ý chí rất quan trọng nói lên tinh thần dũng cảm, mức độ khẩn trương, sự đòi hỏi nỗ lực ý chí cao và tiêu hao năng lượng lớn của con người trong hành động.

Người có ý chí kiên cường là người luôn khắc phục khó khăn, không sợ nguy hiểm chịu đựng căng thẳng, chấp nhận thử thách để đạt được mục tiêu.

Ý chí có biểu hiện ở bên trong và bộc lộ ra bên ngoài. Hành động bên trong rất phức tạp.

Ý chí liên quan tới động cơ, mục đích và phương thức hoạt động. Trong đó động cơ là cái chủ yếu vì nó mà hoạt động được tiến hành. Động cơ xuất phát từ nhu cầu.

Mục đích là kết quả mà hành động phải đạt tới. Mục đích dễ thấy còn động cơ thường khó thấy.

7.2.3. Những sai sót trong ý chí

Những sai sót về ý chí liên quan mật thiết tới quá trình thực hiện các hành động ý chí

- Sai sót chung

Giảm hoạt động ý chí thường do bệnh lý hoặc do tâm lý hoang mang.

Tăng hoạt động ý chí: Thường do bệnh lý, làm tăng trạng thái hoạt động quá mức và sau đó là suy nhược.

- Sai sót về phẩm chất của ý chí

Bệnh nhân thiếu tập trung ý chí hoặc trái lại có bệnh nhân lại quá tập trung ý chí vào công việc.

Có bệnh nhân không xác định được mục đích hoặc ngược lại có bệnh nhân lại có những khát vọng đạt được mục đích hành động kể cả những hành động không bình thường.

Đa số bệnh nhân thiếu tính độc lập, tự chủ, sống phụ thuộc.

Nhiều bệnh nhân không có tính quyết đoán hay chần chừ, do dự.

Có bệnh nhân thiếu tính kiên cường, dũng cảm. Trong tình huống khó khăn, gay cấn thường không vượt qua được có khi thụt lùi, sống nhu nhược.. .

- Rối loạn ý chí: Thường biểu hiện bằng các hành vi lạ lùng, vô lý do, không làm chủ được bản thân.

8. Tìm hiểu nhân cách của bệnh nhân

Những sai sót về nhân cách rất đa dạng và phức tạp. Những sai sót này có khi chỉ là sự không thống nhất, hài hòa giữa các thành phần của cấu trúc nhân cách, làm cho nhân cách mất tính chất trọn vẹn; Cũng có khi là những sai sót của từng nhóm thuộc tính như khí chất, tính cách, năng lực…của nhân cách. Bệnh nhân là người bị thương tổn về chức năng sinh lý rất dễ bị thương tổn về nhân cách. Những biến đổi nhân cách thường gặp là:

8.1 Thương tổn về xu hướng nhân cách

- Có bệnh nhân có nhu cầu vượt quá điều kiện và khả năng của mình, song cũng có bệnh nhân có nhu cầu chung chung, mơ hồ, thậm chí không có nhu cầu bình thường nhất.

Nhiều bệnh nhân lại có nhu cầu thiên lệch về một loại nào đó (nặng về nhu cầu vật chất hay tinh thần)

- Có bệnh nhân giảm hoặc mất hứng thú trong công việc, trong đời sống. Trái lại có bệnh nhân tăng hứng thú, thậm chí có những hứng thú khó hiểu, khác thường. Đôi khi những hứng thú đó trở thành trung tâm chú ý cho mọi hành động hoặc toan tính của người bệnh.

- Có những bệnh nhân có những nguyện vọng và ước ao to lớn, cũng có những bệnh nhân an phận, chấp nhận thực tại của mình.

- Có sai sót về thế giới quan, niềm tin, lý tưởng dẫn đến sự nhìn nhận sai lệch bản thân, thế giới xung quanh.

8.2 Sai sót về thuộc tính tính cách

Bệnh nhân đôi khi cũng có những nét tính cách không đầy đủ, không phù hợp, thậm chí có những nét tính cách độc ác, dối trá mê tín, dễ bị ám, thị phụ thuộc, vị tha một cách kỳ quặc, thù hận, lo sợ, đa nghi.. .

8.3 Sai sót về thuộc tính năng lực

Bệnh nhân có thể có những sai sót về năng lực chung, hoặc có sai sót về năng lực một lĩnh vực chuyên môn nào đó hoặc một loại năng lực nào đó (giảm trí tuệ, giảm sút khả năng giao tiếp)

Trong thực tế, chúng ta thừong quan tâm đến chì số phát triển trí tuệ của cá nhân.

Chỉ số trí tuệ này gắn liền với sự phát triển năng lực tâm thần của cá nhân. Những người chậm phát triển tâm thần nhẹ có chỉ số trí tuệ từ 50- 60, chậm phát triển tâm thần vừa, chỉ số này là 35-49; Chậm phát triển tâm thần nặng, chỉ số là 20 – 34 và những chậm phát triển tâm thần trầm trọng có chỉ số trí tuệ dưới 20.

8.4 Sai sót về khí chất và các thành tố khác trong nhân cách

- Bệnh nhân biến đổi về kiểu khí chất hoặc nẩy sinh các thuộc tính khác không bình thường (nóng nảy vô cớ, ù lì không nói, không cười.. .)

- Có bệnh nhân giảm sút hoặc mất nét đặc trưng giới tính, cũng có thể bệnh nhân sai sót trong phát triển và định hướng giới tính.. .

8.5 Sai sót chung về nhân cách

- Bệnh nhân có sai sót về những đặc điểm chung của nhân cách như mất tính toàn vẹn, mất tính gắn bó, nhân cách bị chia cắt.. .

- Nhân cách bệnh nhân có thể biến đổi theo hướng bệnh lý phân liệt, hoang tưởng chống lại xã hội.. .